Malaysia sử dụng nhiên liệu sinh học vào 2011

Việc đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng sẽ góp phần hỗ trợ cho giá dầu cọ tăng cao và giúp những người trồng trọt thu lợi kinh tế.
Malaysia đã kêu gọi các công ty xăng dầu bù giá cho dầu diesel pha dầu cọ, được bán ra từ tháng Sáu tới, nhằm bắt đầu đưa loại nhiên liệu xanh này vào sử dụng sau bốn năm trì hoãn.

Từ năm 2007, Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đã xúc tiến chương trình đưa nhiên liệu hỗn hợp vào sử dụng và hỗ trợ cho ngành công nghiệp dầu cọ khi chính phủ buộc phải trợ giá cho nhiên liệu hỗn hợp sinh học để tương xứng với giá dầu diesel bán ra tại các trạm xăng dầu.

Nhiên liệu xanh, một loại hỗn hợp gồm 5% dầu cọ và 95% dầu diesel, sẽ được giới thiệu từng bước tại các bang miền Trung của Malaysia.

Việc đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng sẽ góp phần hỗ trợ cho giá dầu cọ tăng cao và giúp những người trồng trọt, đặc biệt là các hộ gia đình nhỏ lẻ thu lợi về mặt kinh tế.

Các thương gia cho biết thông báo trên của Malaysia đã giúp mở ra hướng đi tương lai cho dầu cọ thô của nước này trước khi các thương lái quay sang tập trung vào các thị trường dầu mỏ và dầu đậu nành thấp giá hơn.

Để chương trình đưa nhiên liệu xanh vào thực hiện một cách hiệu quả, chính phủ sẽ chịu phí tổn phát triển sáu kho chứa hỗn hợp trị giá 43,1 triệu ringgit (12,9 triệu USD).

Các công ty dầu khí, trong đó có Công ty dầu khí quốc gia Petronas cũng như các công ty lớn khác như Royal Dutch Shell, Exxon Mobil và Caltex sẽ trợ giá cho nhiên liệu sinh học hỗn hợp tại các trạm bán xăng dầu.

Giá dầu diesel tại thị trường Malaysia hiện đứng ở mức 1,7 ringgit (0,5 USD)/ lít, mức giá do chính phủ quy định và cũng là mức giá thấp nhất ở châu Á.

Các nhà sản xuất dầu sinh học địa phương nói rằng việc trộn 5% dầu cọ vào dầu diesel sẽ khiến cho giá dầu hỗn hợp đội thêm từ 0,2-0,6 ringgit/ lít.

Hiện nay, Malaysia đã cấp 56 giấy phép sản xuất nhiên liệu sinh học với tổng khối lượng 6,8 triệu tấn.

Năm 2009, nước này đã sản xuất được 227.457 tấn dầu sinh học từ dầu cọ và xuất khẩu thu về được 604 triệu ringgit (180,2 triệu USD)./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục