Tạo thương hiệu nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi

Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, xã An Ngãi, huyện Long Điền là nghề truyền thống đạt chuẩn của tỉnh.
Ngày 29/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã công nhận nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, xã An Ngãi, huyện Long Điền là nghề truyền thống đạt chuẩn của tỉnh.

Đây là một trong hai nghề được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là nghề truyền thống đạt chuẩn.

Theo Ủy ban Nhân dân xã An Ngãi, nghề làm bánh tráng ở An Ngãi xuất hiện từ rất sớm cùng với những cư dân Việt đầu tiên đi khai phá vùng đất Long Điền. Trước năm 1975, trên địa bàn xã chỉ có khoảng 5-6 hộ làm nghề.

Qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, hiện toàn xã An Ngãi có 116 hộ sản xuất bánh tráng. Nghề được truyền theo phương thức cha truyền con nối. Công cụ, quy trình sản xuất bánh tráng chủ yếu được thực hiện theo phương thức thủ công, dùng sức người là chính.

Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là gạo, tùy theo loại bánh sẽ được pha trộn thêm những nguyên liệu khác cho phù hợp. Bánh tráng An Ngãi hiện có các loại bánh tráng nem (loại lớn, nhỏ), bánh tráng ớt, bánh đa nướng, bánh tráng chuối…

Giá bán buôn khoảng 20.000-25.000 đồng/100 cái bánh nhỏ; 70.000-80.000 đồng/100 cái bánh lớn. Bánh tráng An Ngãi được tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh, doanh thu trung bình của một hộ làm bánh tráng đạt từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Việc nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi được công nhận là nghề truyền thống đạt chuẩn của tỉnh là tiền đề để nghề này tiếp tục phát triển.

Tuy vậy, để bánh tráng An Ngãi xây dựng được thương hiệu, tạo thành một nét đẹp văn hóa nghề truyền thống phục vụ du lịch, góp phần tăng hiệu quả kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho các hộ làm nghề, những người làm bánh tráng An Ngãi mong muốn các ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ đầu tư về máy móc thiết bị, tăng cường xúc tiến, quảng bá để tạo thương hiệu, "chỗ đứng" ổn định trên thị trường cho sản phẩm./.

Hoàng Nhị (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục