Thất thoát 1,3 tỷ tấn

FAO: Lãng phí tới 1,3 tỷ tấn lương thực mỗi năm

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, khoảng 30% sản lượng lương thực toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn, bị thất thoát và lãng phí.
Trong khi Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá lương thực tăng đã đẩy hơn 40 triệu người châu Á-Thái Bình Dương trở lại tình trạng cùng khổ thì có một nghịch lý là hàng năm, khoảng 30% sản lượng lương thực toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn, bị thất thoát và lãng phí.

Báo cáo "Thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu" của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đưa ra một số con số đáng quan tâm: Lượng lương thực thất thoát và lãng phí hàng năm của các nước công nghiệp và các nước đang phát triển là tương đương nhau, 670 triệu và 630 triệu tấn. Mỗi năm, người tiêu dùng ở những nước giàu lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực, gần bằng sản lượng lương thực của cả khu vực châu Phi (230 triệu tấn). Rau, củ, quả là loại lương thực bị lãng phí nhiều nhất.

Tổng lượng lương thực bị thất thoát, lãng phí mỗi năm bằng nửa tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu (sản lượng mùa 2009-2010 là 2,3 triệu tấn).

Theo FAO, thất thoát lương thực xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Thất thoát chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển do cơ sở hạ tầng kém, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho hệ thống sản xuất lương thực thấp. Còn lãng phí lương thực là vấn đề ở các nước công nghiệp, chủ yếu do các nhà bán lẻ và người tiêu dung gây ra khi họ vứt bỏ các loại lương thực còn tốt vào thùng rác.

Bình quân mỗi năm một người tiêu dung ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt bỏ 95-115kg lương thực, còn người tiêu dung khu vực châu Phi, Nam và Đông Nam Á vứt bỏ khoảng 6-11kg.

FAO cho rằng thất thoát và lãng phí lương thực cũng dẫn đến việc lãng phí các nguồn lực khác như nước, đất, năng lượng, lao động và vốn, đồng thời cũng tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách không cần thiết, góp phần làm Trái Đất nóng lên và biến đổi khí hậu.

FAO đưa ra một số đề xuất để tiết kiệm lương thực đối với các nước đang phát triển, như cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, xử lý và đóng gói thương thực, thực phẩm…

Đối với các nước phát triển, cần thay đổi thái độ của các nhà bán lẻ cũng như người tiêu dung, không nên quá chú ý đến các tiêu chuẩn về hình thức bên ngoài của lương thực và thực phẩm, không nên mua lương thực, thực phẩm quá mức cần thiết.
Trong khi đó, ngày 11/5, FAO đã cảnh báo châu Á cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát giá lương thực.

FAO nhấn mạnh giá lương thực ở châu Á vẫn cao mặc dù có giảm chút ít trong tháng Tư, mức giảm đầu tiên trong chín tháng qua. Giá gạo, lương thực chính ở các nước châu Á, giảm 2% ở Campuchia và Sri Lanka, 0,5% ở Bangladesh nhưng so với một năm trước đây, giá gạo ở Bangladesh vẫn cao hơn 29%, ở Trung Quốc vẫn cao hơn 25% và ở Việt Nam và Lào cao hơn 40%.

Giá lương thực giảm đôi chút trong tháng Tư bắt nguồn từ giá dầu giảm giúp làm giảm các chi phí vận chuyển và chế biến.

Đại diện FAO tại châu Á-Thái Bình Dương, ông Hiroyuki Konuma lưu ý rằng giá lương thực ở khắp khu vực này vẫn cao và người nghèo đang bị tác động nghiêm trọng nhất. Do tác động tiêu cực của giá lương thực cao, các hộ gia đình nghèo ở châu Á đang phải dành tới 70% thu nhập để đáp ứng nhu cầu lương thực.

Ông Konuma kêu gọi các nước châu Á thực hiện các biện pháp khẩn cấp và thận trọng để ngăn chặn tái phát cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 khi giá lương thực tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng.

Theo ông, các nước cần thiết lập mạng an sinh xã hội cho người nghèo và xây dựng các kho dự trữ lương thực phòng tình trạng khẩn cấp, cải thiện an ninh lương thực và thông tin thị trường lương thực để đẩy lùi nguy cơ đầu cơ và mua bán hoảng loạn các hàng hóa lương thực.

FAO dự báo sản xuất lúa gạo tăng 2% trong năm 2011 nhưng sản lượng lúa mỳ lại giảm. Sản lượng lúa gạo tăng nhưng vẫn không thể đáp ứng mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm 50% số người đói vào năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục