Dự trữ ngoại hối Philippines đạt kỷ lục gần 82 tỷ USD

Dự trữ ngoại hối của Philippines lập mức kỷ lục mới, lên đến 81,88 tỷ USD do ngân hàng tiếp tục mua dollar bổ sung từ thị trường.
Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) cho biết, tính đến cuối tháng Chín năm nay, dự trữ ngoại hối của Philippines lập mức kỷ lục mới, lên đến 81,88 tỷ USD do ngân hàng tiếp tục mua dollar bổ sung từ thị trường nhằm ngăn chặn những gì có thể làm đồng peso tăng giá.

Trong một báo cáo công bố ngày 5/10, BSP cho biết, tổng dự trữ quốc tế (GIR) mới nhất này đủ để trang trải cho 11,8 tháng nhập khẩu của cả nước và gấp 6,5 lần khoản nợ nước ngoài của các tổ chức tư nhân và chính phủ ở Philippines.

BSP cũng thừa nhận rằng các hoạt động trao đổi ngoại tệ, theo đó BSP kinh doanh tiền tệ trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn biến động mạnh và đột ngột của tỷ giá hối đoái, đã làm cho dự trữ quốc tế tăng vọt. Các yếu tố khác bao gồm thu nhập phát sinh từ các khoản đầu tư của BSP trong chứng khoán bằng ngoại tệ và sự gia tăng của giá vàng. Khoảng 11 tỷ USD dự trữ ngoại hối là bằng vàng.

Theo BSP, Philippines và các thị trường mới nổi khác đã trở thành điểm nóng thu hút ngoại tệ do cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và sự vận hành yếu ớt của nền kinh tế Mỹ. Vấn đề mà các nền kinh tế tiên tiến đang phải đối đầu là việc lái các quỹ đầu tư tới các nền kinh tế hiệu quả hơn ở châu Á.

BSP khẳng định rằng không có sự thiên vị về một đồng peso mạnh hay yếu, tuy nhiên, ngân hàng sẽ thực hiện linh hoạt đối với trao đổi ngoại tệ trên thị trường để ngăn chặn biến động cực đoan trong tỷ giá hối đoái sẽ gây gián đoạn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong tháng 9/2012, đồng peso mạnh hơn ở mức trung bình 41,749 peso/USD so với 42,045 peso/USD trong tháng trước đó. Theo các thương nhân, nếu không có sự tham gia của ngân hàng trung ương vào thị trường ngoại hối, đồng peso có thể thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Việc tăng giá trị tiền tệ được hỗ trợ bởi xuất khẩu và các hộ gia đình phụ thuộc vào kiều hối gửi từ người Philippines ở nước ngoài. Đồng peso tăng giá làm cho hàng hóa sản xuất của Philippines đắt hơn và do đó ít khả năng cạnh tranh hơn. Nó cũng làm giảm giá trị tiền gửi bằng đồng peso so với đồng dollar.

Do ngân hàng trung ương BSP tích lũy nhiều dự trữ ngoại tệ cho đất nước, một số nhà kinh tế cho rằng dự trữ của Philippines đã trở nên quá mức./.

Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục