Chứng khoán giảm bất chấp nền kinh tế Mỹ sáng sủa

Chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt giảm điểm trong trong phiên ngày 8/11, bất chấp nền kinh tế Mỹ rõ ràng đang tiến triển tốt lên.
Một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiếp nối màu đỏ phiên trước trên sàn chứng khoán Phố Wall, chứng khoán châu Á đã đồng loạt giảm trong những phút giao dịch đầu tiên trong phiên ngày 8/11, bất chấp kinh tế Mỹ rõ ràng đang tiến triển tốt lên.

Báo cáo chính thức về mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng lượng người thất nghiệp trong tuần trước giảm nhẹ, tuy là những thông tin hết sức tích cực, song lại làm dấy lên tâm lý lo ngại của nhà đầu tư rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ "có cớ" để rút dần chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD hàng tháng, vốn là một trong những nhân tố đứng sau đà đi lên của thị trường cổ phiếu trong suốt thời gian qua.

Mở cửa phiên cuối tuần 8/11, cả ba thị trường chủ chốt của chứng khoán châu Á đều giảm điểm, trong đó Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4%; Hang Seng của Hong Kong giảm 0,73% và Nikkei 225 của Nhật mất 1,42%.

Đêm trước (7/11), chứng khoán Mỹ cũng quay đầu giảm điểm bất chấp đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hết sức thành công của trang mạng xã hội Twitter, cùng thông tin tăng trưởng GDP của Mỹ cao hơn dự kiến.

Đóng cửa phiên 7/11, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều sụt giảm, trong đó Dow Jones Industrial Average mất 152,90 điểm (0,97%) xuống 15.593,98 điểm; S&P 500 tụt 23,34 điểm (1,32%) xuống 1.747,15 điểm; trong khi Nasdaq Composite giảm 74,61 điểm (1,90%) xuống 3.857,33 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong bối cảnh Twitter có đợt IPO thành công và Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết tăng trưởng GDP trong quý III đạt 2,8%, cao hơn nhiều so với dự đoán 1,9% của giới phân tích.

Nghịch lý này được lý giải là do nhà đầu tư lo ngại rằng, báo cáo tích cực về GDP sẽ sớm thúc đẩy FED giảm dần quy mô gói nới lỏng định lượng (QE3), vốn là nhân tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong suốt thời gian qua.

Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu lại phân hóa trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư đón nhận quá nhiều thông tin bất ngờ trong một ngày.

Trước hết là quyết định bất ngờ cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), và tiếp đến là mức tăng trưởng mạnh ngoài dự kiến của nền kinh tế Mỹ trong quý III vừa qua, cùng lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm nhẹ.

Với việc cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản quyết định sau cuộc họp mới nhất của ECB đã đưa lãi suất hạ xuống chỉ còn 0,25% - mức thấp kỷ lục mọi thời đại mới.

Phản ứng về quyết định của ECB, Thủ tướng Italy Enrico Letta cho đây là một "tin tuyệt vời", chứng tỏ "ECB quan tâm về tăng trưởng và tính cạnh tranh tại châu Âu."

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hoan nghênh quyết định này khi cho rằng đây là một bước đi đúng đắn xét trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đang trải qua giai đoạn lạm phát thấp và tăng trưởng yếu.

Tuy vậy, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất không phải là “hành động thay thế” cho những cải cách cấp thiết mà Eurozone đang cần tới để hồi phục kinh tế và xử lý "núi" nợ công, đồng thời họ cho rằng việc cắt giảm lãi suất lần này của ECB cũng không được kỳ vọng là sẽ đem lại nhiều kết quả bởi trước đó, tỷ lệ này đã rất thấp.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%, được duy trì từ tháng 3/2009 đến nay và không bơm thêm tiền cho chương trình nới lỏng định lượng QE (chương trình mua lại trái phiếu chính phủ) hiện đã lên tới 375 tỷ bảng (khoảng 600 tỷ USD).

Đóng cửa phiên 7/11, FTSE 100 của Anh giảm 0,66% xuống 6.697,22 điểm; CAC 40 của Pháp mất 0,14% xuống 4.280,99 điểm, song DAX 30 của Đức lại tăng 0,44% lên 9.081,03 điểm - mức cao kỷ lục mới của chỉ số này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục