"Thương hiệu" hàng rong

Hàng rong cũng long đong để làm "thương hiệu"

Long đong làm nên thương hiệu, thu được kết quả tích cực về kinh tế nhưng những gánh hàng rong sống nhờ vỉa hè vẫn "đẹp mà không đẹp."
Không chỉ người “buôn tàu bán bè” dày vốn nặng túi mà cả những gánh hàng rong cũng phải long đong tìm cách xây dựng được thương hiệu cho mình để có thể cạnh tranh trong thời buổi lạm phát.

Những cách mưu sinh

Đầu tư làm ăn vốn nhỏ, chị Hường ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội đã chọn nghề bán quả để mưu sinh.

Đã nhiều đêm chị trăn trở phải làm sao để có được lượng khách ổn định trước thời buổi cạnh tranh khốc liệt này.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị đã vạch ra được một phương pháp. Thay bằng việc chạy theo nhiều khách hàng lạ, chị Hường đã xây dựng cho mình hệ thống khách hàng thân thuộc. Chị chọn một cơ quan lớn có lượng nhân viên đông làm đối tượng khách hàng “ruột” của mình.

Thoạt tiên cũng chỉ vài ba người mua trong khi chị không phải là người duy nhất bán. Để cạnh tranh được, chị Hường đã bỏ công tìm hiểu đối tượng khách hàng của mình. Biết được họ là những người hiểu biết và bận rộn, chị đã nghĩ ra cách bán hàng qua điện thoại để thu phục những khách hàng này.

Gần hai mươi năm bán hàng "chung thân" với khách, chị Hường đã thuộc số điện thoại, biển số xe của rất nhiều người cũng như sở thích của những người thân trong gia đình họ.

Mỗi lần muốn mua hàng, khách chỉ cần gọi điện, lập tức chị sẽ chọn hàng ngon và cân đủ rồi đem đến treo vào xe của khách. Có khi, chưa cần khách gọi, chị đã chủ động cầm điện thoại tư vấn cho khách loại quả hợp với khẩu vị của họ.

Với cách bán hàng linh động như vậy, chị Hường đã giúp những khách hàng của mình bớt được thời gian và công sức đi lại. Nhờ vậy, lượng khách của chị ngày một đông hơn.

Giống như gánh quả của chị Hường, hàng trà đá của chị Thêu ở phố Quán Sứ, Hà Nội cũng hấp dẫn được nhiều người do chị biết chiều “thượng đế” của mình.

Chị Thêu có cách bán hàng cởi mở và thân thiện. Sau những phút làm việc mệt mỏi, khách ngồi nhâm nhi ngụm trà đặc lại được chia sẻ với chị những câu chuyện phiếm khiến họ cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm nên ai cũng muốn ra xả stress với chén trà đá vỉa hè của chị.

Hơn thế, chị Thêu còn tạo sợi dây thâm tình với khách hàng bằng việc linh động cho họ “uống chịu.” Có những khách uống đến cuối tháng lấy lương họ mới chịu “trả lương” cho chị.

Một trường hợp khác của chị Bích, quê ở Ninh Bình lên Hà Nội “lập nghiệp” bằng hàng trà đá ở Mỹ Đình. Để cạnh tranh với những quán trà đá xung quanh, chị Bích đã tạo ra hương vị riêng cho trà của mình.

Không chỉ “đầu tư” loại chè ngon, chị Bích còn cất công hứng nước mưa, đun sôi để pha chè, nhờ vậy, chén trà của chị thơm thơm, ngọt ngọt, khách uống một lần là nhớ để rồi phải quay lại…

Trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp còn bị kêu ca về sự yếu kém trong dịch vụ chăm sóc khách hàng thì những phụ nữ bình dị như chị Hường, chị Thêu và chị Bích bằng cách bán hàng sáng tạo, linh động, biết khai thác tâm lý khách hàng đã biết cách để những “thượng đế” của mình hài lòng.

“Đẹp mà chưa đẹp”

Công việc của chị Hường đang xuôi buồm thuận gió thì bỗng dưng chị gặp phải không ít khó khăn khi cơ quan của những khách hàng quen di dời đi nơi khác.

Không lỡ để mất những khách tiềm năng, chị Hường đành gói ghém thùng hàng tất bật theo khách chuyển tới địa điểm mới.

“Bán hàng kiểu này tạo được thương hiệu nhưng cũng bị động trước khách hàng, họ mà chuyển chỗ mình lại phải chuyển theo,” chị Hường nói.

Song có lẽ vướng mắc lớn hơn của chị Hường còn là ngày ngày chị phải thấp thỏm, tính toán để "trốn" công an, bởi chị đang xâm lấn vỉa hè làm chỗ bán hàng. Chị Hường cho biết, có lần chị bị mất trắng cả gánh hàng khi công an đến dẹp.

Bởi vậy, cho dù biết cách tạo dựng thương hiệu, thu hút lượng lớn khách hàng đã giúp cho chị Hường có một ngôi nhà ba tầng khang trang giữa đất Hà thành, hay chị Thêu, chị Bích lo được cho gia đình một cuộc sống sung túc giữa thời lạm phát nhưng họ đang vẫn ngày đêm phải thấp thỏm nỗi lo về sự bất ổn trong công việc.

Hơn thế, rõ ràng là những người sống nhờ vỉa hè như các chị này, dù là vì mưu sinh và thực tế họ cũng đã thu được kết quả tích cực về kinh tế, giải quyết được đời sống vật chất trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, đã làm ảnh hưởng không tốt đến mỹ quan thành phố, gây bất tiện cho người đi bộ....

Đó là cái “đẹp mà chưa đẹp” của những gánh hàng mưu sinh kiểu này./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục