Khám phá hầm chỉ huy

Hầm chỉ huy tác chiến Hoàng Thành mở cửa đón khách

Tại đây, Trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ huy đánh bại cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, sáng 20/12, di tích cách mạng kháng chiến Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu tại Hoàng thành Thăng Long đã chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Căn hầm là nơi làm việc liên tục 24/24 giờ của kíp trực Ban tác chiến – Bộ Tổng tham mưu; đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng trên khắp chiến trường miền Bắc, miền Trung và Đông Dương.

Căn hầm có vai trò đặc biệt đối với người dân Hà Nội khi thực hiện nhiệm vụ báo động kịp thời máy bay địch. Trong trận chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972, tại đây, Trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ huy đánh bại buộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Sau hai năm phục hồi, tu bổ, Hầm chỉ huy tác chiến chính thức mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về hoạt động chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu thời kỳ chống Mỹ.

Hiện, Hầm chỉ huy tác chiến ra mắt công chúng trong diện mạo tương đối trọn vẹn với hệ thống trang thiết bị phục vụ chỉ huy tác chiến.

Tại phòng giao ban trưng bày bộ bàn ghế giao ban, các bản đồ chỉ huy tác chiến, ảnh tư liệu về hoạt động chỉ huy tác chiến, hoạt động chiến đấu của quân dân Hà Nội, các loại quân tư trang.

Phòng trực ban tác chiến trưng bày bàn chỉ huy, tiêu đồ, bảng trực chỉ huy, bản đồ chiến sự, bản đồ căn cứ không quân, hải quân và binh lực chủ yếu của Mỹ cùng đồng minh, bản đồ lực lượng phòng không – không quân bảo vệ miền Bắc; các ảnh tư liệu; hiện vật (radio, quạt, la bàn, thước chỉ huy...); đặc biệt là 4 cabin trực điện thoại phục vụ chỉ huy chiến đấu.

Đông đảo khách tham quan đã xuống thăm căn hầm, trong đó rất nhiều nhân chứng gắn bó với Hầm chỉ huy tác chiến. Trong sự xúc động, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu bày tỏ: "Những người gắn bó với căn hầm như tôi rất háo hức xuống căn hầm này và nhiều đêm không ngủ được. 40 năm rồi, tôi mới được về đây để hồi tưởng lại những tháng ngày mình đã làm việc ở đây – Nơi trọng yếu trong việc đấu trí với đối phương giành thắng lợi."

Bà Vũ Thị Thu Hà, tiêu đồ viên từng làm việc tại Hầm chỉ huy tác chiến chia sẻ: "Chúng tôi rất xúc động khi được trở lại căm hầm đã từng gắn bó với mình nhiều năm trong chiến tranh. Đó là thời gian làm việc rất vất vả nhưng đầy tự hào và chúng tôi vẫn nhớ mãi."

Theo đánh giá của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hầm chỉ huy tác chiến là di tích cách mạng kháng chiến quan trọng hàng đầu trong hệ thống di tích cách mạng tại Khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục