ADB: Châu Á sẽ gặp khó khăn hơn trong tương lai

ADB vừa công bố báo cáo “Giám sát Hội nhập Kinh tế châu Á,” trong đó đánh giá châu Á hội nhập lớn hơn nhưng sẽ khó trong hợp tác.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo “Giám sát Hội nhập Kinh tế châu Á,” trong đó đánh giá châu Á đã trở nên hội nhập hơn trong thập kỷ qua do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại và du lịch, nhất là khi gần đây châu lục này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tiếp sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song đồng thời cũng lưu ý hợp tác khu vực trong tương lai có thể sẽ khó khăn hơn.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông cáo báo chí ngày 5/3 của ADB cho biết “Chỉ số hội nhập” mới trong báo cáo nói trên cho thấy một sự hội nhập lớn hơn của châu Á sẽ trở nên khó khăn hơn, do ngoài thương mại và du lịch, các lĩnh vực hợp tác còn lại phức tạp hơn.

Nhà kinh tế trưởng thuộc Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, Lei Lei Song nói rằng châu Á cần phải tránh tự mãn với những gì đã đạt được và tiếp tục làm việc cùng nhau trong giai đoạn hậu khủng hoảng, bởi những gì Eurozone đang phải đối mặt hiện nay, bắt nguồn từ trong quá trình hội nhập khu vực, cũng như mối lo ngại về một sự lây lan tương tự ở châu Á khi thực thi hội nhập khu vực lớn hơn có thể tác động đến các nhà hoạch định chính sách châu Á khi đánh giá con đường phía trước của khu vực.

Báo cáo “Giám sát Hội nhập Kinh tế châu Á,” được ADB công bố định kỳ một năm hai lần, cho biết “Chỉ số hội nhập” - được đánh giá qua các yếu tố giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài, các thị trường vốn, tương quan sản lượng, thương mại và du lịch, cho thấy mức độ hội nhập của châu Á đã tăng từ mức cơ sở 100 điểm năm 2001 lên 233,27 điểm năm 2010 và tuy giảm nhẹ xuống 192,22 điểm năm 2011 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, song vẫn cao hơn nhiều so với năm 2007, khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Báo cáo ghi nhận ngoài lĩnh vực thương mại và du lịch, các thị trường vốn khu vực châu Á cũng đã trở nên gắn kết với nhau hơn, trong đó như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng ba nước Đông Á (ASEAN + 3), bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã hợp tác mở rộng khuôn khổ “Sáng kiến Chiang Mai” của ASEAN nhằm tăng cường đảm bảo mức độ an toàn cho hệ thống tài chính của mình, hay Ấn Độ và các nước Nam Á cũng đang hướng tới một mô hình tương tự và một số nước trong khu vực đã mở rộng hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương.

Tuy nhiên, Báo cáo lưu ý hội nhập tài chính và dịch chuyển lao động đang tụt hậu sau các lĩnh vực trên, nhất là khu vực hiện có nhu cầu lớn về một sự kết nối cơ sở hạ tầng quốc gia và xuyên biên giới nhiều hơn. Thậm chí, kể cả trong lĩnh vực thương mại cũng còn rất nhiều điều cần làm để châu Á hội nhập sâu rộng hơn.

Các biểu thuế quan tuy giảm, song vẫn còn nhiều rào cản khác đối với thương mại, chẳng hạn như quản lý biên giới đang kiềm chế đáng kể hội nhập lớn hơn. Thương mại nội khu vực về dịch vụ cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại. Tác động của các khối thương mại khu vực như Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với ASEAN là trung tâm vẫn còn chưa rõ ràng. TPP và RCEP có thể cạnh tranh nhau, mà cũng có thể hỗ trợ xây dựng các khối cho một hiệp định thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, còn có tình trạng chồng chéo các hiệp định thương mại tự do đang trong xu thế gia tăng. Tính đến tháng 1/2013, châu Á đã có 109 hiệp định thương mại tự do, tăng từ mức 36 hiêp định năm 2002 và có 148 thỏa thuận tương tự khác đang trong những giai đoạn phát triển khác nhau. Sự chồng chéo và số lượng quá nhiều như vậy đã làm tăng tính phức tạp và chi phí cho các nhà xuất khẩu, đòi hỏi châu Á cần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do để tạo ra các hiệp định song phương tốt nhất có thể áp dụng với các đối tác thương mại khác.

Chuyên gia Lei Lei Song nhấn mạnh rằng nhiều thỏa thuận đa phương hơn, chẳng hạn như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), trong đó bao gồm số lượng ngày càng tăng cả các đối tác ngoài châu Á sẽ thúc đẩy thương mại toàn cầu, giúp tăng thu nhập, mặc dù vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn chưa đem lại kết quả cuối cùng là một thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục