Trao giấy phép thành lập tổ chức tài chính vi mô M7

Tổ chức tài chính vi mô TNHH M7 được thành lập và hoạt động trên cơ sở chuyển đổi hoạt động tài chính vi mô 3 quỹ hỗ trợ phụ nữ.
Ngày 1/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao Giấy phép thành lập và hoạt động Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn M7 với sự chứng kiến của đại diện Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cùng Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn M7.

Đây là tổ chức thứ hai, sau Tổ chức tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Tổ chức tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn M7 được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trên cơ sở chuyển đổi hoạt động tài chính vi mô của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ miền núi phát triển huyện Mai Sơn (Sơn La) được thành lập năm 2007, Quỹ Khuyến khích phụ nữ phát triển thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) được thành lập năm 2004 và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ Đông Triều (Quảng Ninh) được thành lập năm 2007.

Ba tổ chức này đã hoạt động tại 38 xã, phường thuộc 3 huyện, thị xã của 2 tỉnh Sơn La, Quảng Ninh và đã hỗ trợ tín dụng thành công cho 37.278 thành viên là phụ nữ nghèo và người có thu nhập thấp; góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo quốc gia, giúp nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, tài chính vi mô là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng một ngành tài chính vi mô bền vững sẽ tạo kênh dẫn vốn và mang các dịch vụ ngân hàng khác như tiết kiệm, chuyển tiền tới những người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp vi mô - những đối tượng khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong việc đưa dịch vụ ngân hàng đến với người nghèo, đến với vùng đồng bào dân tộc khó khăn, tổ chức tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn M7 được kỳ vọng là một trong các tổ chức đi đầu trong việc phát triển ngành tài chính vi mô bền vững tại Việt Nam. Sự kiện này là bước khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới của hoạt động tài chính vi mô theo định hướng chuyên nghiệp.

Luật Tổ chức tín dụng 2010 cũng đã chính thức công nhận tổ chức tài chính vi mô là một trong các loại hình tổ chức tín dụng đặt dưới sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, việc chính thức hoá hoạt động tài chính vi mô sẽ giúp các tổ chức này có vị thế pháp lý rõ ràng, có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn trong và ngoài nước, nâng cao năng lực tài chính và mở rộng phạm vi hoạt động. Đồng thời, việc gia nhập của các tổ chức tài chính vi mô vào hệ thống tài chính-ngân hàng chính thức cũng đòi hỏi bản thân các tổ chức tài chính vi mô phải xây dựng chiến lược hoạt động rõ ràng và hết sức nỗ lực để nâng cao năng lực quản trị, điều hành nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với một tổ chức tín dụng chuyên nghiệp./.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục