Thu hút FDI: Nên có sự sàng lọc và thẩm định kỹ

Để chất lượng các doanh nghiệp FDI ngày càng hiệu quả, các địa phương nên có sự sàng lọc và thẩm định dự án trước khi thu hút.
Chọn dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực là con đường để Việt Nam chuyển dần chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đó là những nội dung được các đại biểu bàn luận tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam" do Cục Đầu tư Nước ngoài, Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội.

Cần phải sàng lọc các dự án

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong 25 năm qua, đầu tư nước ngoài có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, bình quân chiếm khoảng 18% GDP và chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiêp trong nước gặp khó khăn nhưng khu vực FDI vẫn duy trì sản xuất tốt, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu vì khối doanh nghiệp này ít chịu tác động trong tiếp cận vốn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề trong khối FDI chưa đạt được. Cụ thể, các địa phương đã thu hút ít chọn lọc, nhất là giai đoạn đầu, không tránh khỏi những doanh nghiệp không có công nghệ tốt, tiêu tốn nguyên liệu, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao. Một số ít doanh nghiệp chưa đảm bảo được xử lý chất thải, ảnh hưởng đến môi trường; mong muốn thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao nhưng chưa đạt mục đích đề ra...

Những băn khoăn của ông Vinh cũng là những lo lắng của nhiều đại biểu tại hội thảo. Ở giai đoạn đầu, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nào vào các địa phương cũng nhận và sẵn sàng thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tuy nhiên, cũng giai đoạn này, lo ngại về chất lượng, hiệu quả của FDI xuất hiện khi nhiều dự án FDI có công nghệ thấp, chủ yếu khai thác thị trường nội địa, tận dụng tài nguyên, lao động rẻ, ít tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước. Nhiều địa phương đã phải trả giá khi hàng loạt dự án tỷ USD rơi vào tình trạng nhận giấy chứng nhận đầu tư rồi để đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị thổi còi do vi phạm quy định về môi trường, hàng loạt doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục nhiều năm…

Ông Mai Đức Chọn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương cho biết, Hải Dương cũng đã từ chối nhiều dự án. Những dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động mà muốn vào khu vực thành phố thì không được. Những dự án không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì chúng tôi cũng từ chối.

Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, sẽ chọn lọc các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Những dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ cũng sẽ được ưu tiên.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu ngay một lúc Việt Nam có thể thu hút các dự án công nghệ cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường…?

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút được vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần giải quyết một loạt vấn đề rất quan trọng. Chẳng hạn, sửa đổi, bổ sung luật pháp về đầu tư; sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; nâng cao năng lực phản ứng chính sách…

"Trên cơ sở định hướng mới về FDI, cần rà soát các chính sách ưu đãi đầu tư trong văn bản pháp luật để quy định hệ thống ưu đãi mới thích ứng với đòi hỏi của nhà đầu tư và kinh nghiệm quốc tế trong việc thu hút FDI vào ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giáo dục và đào tạo," vị Giáo sư nói.

Theo ông Mại, chính sách ưu đãi đầu tư cần bảo đảm hấp dẫn nhà đầu tư tiềm năng vào ngành nghề, lĩnh vực theo định hướng mới đồng thời phải tính toán và được thực hiện trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, hiệu quả kinh tế - xã hội của từng địa phương, chấm dứt tình trạng thu hút FDI theo phong trào, bất chấp chất lượng và hiệu quả.

Ông Mại khuyến nghị, ngoài những định hướng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra như chất lượng và hiệu quả, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế ít cacbon, công nghệ có kỹ năng và lao động kỹ thuật cao thì cần phải đưa thêm một số định hướng khác vào như đổi mới từ chính sách thu hút FDI sang chính sách nâng cấp FDI theo hướng ưu tiên đối với các dự án công nghệ cao và dịch vụ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nên có một trung tâm thẩm định

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, lâu nay có một thực tế là do nóng vội và kỳ vọng một cách chủ quan nên các địa phương đã thu hút nhiều dự án lớn nhưng lại không triển khai được, gây ra không ít thiệt hại. Vấn đề đáng lưu ý ở đây là quá trình thẩm định và đánh giá các dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Investconsult Group cho rằng, trong dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam có thể có rất nhiều cái bẫy. "Chính vì vậy, chúng ta cũng phải sớm nhìn thấy việc Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi thải tất yếu của các vấn đề về môi trường, công nghệ và lao động. Cho nên cần phải nhận thức rõ rằng thẩm định là công việc rất lạnh lùng. Thẩm định là một quá trình vừa tiền kiểm, hậu kiểm, vừa trung kiểm và bắt buộc phải có cơ sở khoa học," ông Bạt thẳng thắn nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước đây tất cả các quyền lực để cấp phép cho những dự án cỡ lớn nằm ở Bộ Kế hoạch Đầu tư và quá trình ấy được tiến hành rất tốt. Nhưng từ khi phân cấp cho các tỉnh thì chưa xây dựng được công nghệ thẩm định cho các đia phương. Quá trình phân cấp này có lẽ là hơi vội vàng, cho nên có hiện tượng các địa phương đã “sinh ra những đứa trẻ to quá kích thước mà nhà hộ sinh vẫn ở quy mô cấp xã, làm cho những đứa trẻ ấy lâm vào tình trạng hữu sinh mà vô dưỡng”.

Ông Bạt khuyến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn có quyền thành lập những trung tâm thẩm định. Mỗi miền ở đất nước có thể có một trung tâm. Thậm chí chia quá trình thẩm định ra nhiều cấp: cấp thẩm định đối tác, cấp thẩm định công nghệ, cấp thẩm định các hậu quả xã hội. Trong quá trình thẩm định những dự án đầu tư cỡ tỷ USD thì dứt khoát việc thẩm định hậu quả kinh tế và xã hội phải được đặt ra, trong đó có cả an ninh, quốc phòng.

Theo ông Bạt, hiện nay một số địa phương đã đạt được những thành tích rất lớn về việc thu hút một số dự án nhưng lại không có mục tiêu, không có tiêu chuẩn rõ ràng để thẩm định. Ví dự như tiêu chuẩn về môi trường. Việt Nam đang phải chịu những hậu quả nghiêm trọng do Công ty Vedan gây ra. "Cho nên nhất thiết phải tổ chức lại quá trình thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài cho hợp lý," ông Bạt khẳng định.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, trong thời gian tới cần ưu tiên chọn những đối tác doanh nghiệp FDI từ những nước phát triển có các chuẩn môi trường cao, có quy định chặt chẽ về công tác môi trường. Những doanh nghiệp này, ngoài khả năng sử dụng các công nghệ sách, thường áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tốt hơn, còn có thể gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động FDI về nền kinh tế nước chủ nhà, đặc biệt là thông qua quá trình chuyển giao tri thức và công nghệ sách cho các nhà thầu phụ địa phương./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục