Vi khuẩn dịch hạch thời trung cổ vẫn hiện hữu

Biến thể vi khuẩn dịch hạch ngày nay bắt nguồn từ thời Trung cổ, như vậy, loại vi khuẩn chết người này chưa từng biến mất khỏi mặt đất.
Ngày 12/10, tạp chí Nature của Anh cho biết một nhóm các nhà khoa học đã khai quật mộ tại một nghĩa trang ở London và thu thập DNA của vi trùng dịch hạch trong các tử thi chết vì bệnh này từ thời Trung cổ.

Phát hiện này đã vén bức màn bí mật lý giải sự phát triển của các tác nhân gây bệnh và nguyên nhân vì sao căn bệnh này lại trở thành đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Yersinia pestis là một vi khuẩn gây bệnh tồi tệ nhất đối với người dân châu Âu ở thế kỷ thứ 14 do những bệnh nhân thời này không có bất kỳ một biện pháp đề kháng nào.

Sau khi phục hồi bộ gen gốc của vi khuẩn thời Trung cổ và so sánh DNA của chúng với DNA của các chủng vi khuẩn dich hạch hiện đại, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện, cấu trúc của 2 chủng vi khuẩn cơ bản hoàn toàn giống nhau.

Các biến thể của vi khuẩn dịch hạch ngày nay gần như bắt nguồn từ thời Trung cổ. Nghiên cứu trên của các nhà khoa học đã cung cấp bằng chứng hùng hồn khẳng định loại vi khuẩn chết người này chưa từng biến mất khỏi mặt đất.

Vào thời Trung cổ ở châu Âu, chỉ trong vòng 5 năm (1347-1351), Cái chết Đen (Black Death) đã cướp đi sinh mạng của 30 triệu người, xóa sổ khoảng 1/3 dân số châu Âu, chiếm gần 1/12 dân số thế giới.

Theo giáo sư Johannes Krause thuộc trường Đại học Tubingen của Đức, người tiến hành nghiên cứu này cho biết Cái chết Đen là "thảm họa dịch hạch đầu tiên trong lịch sử nhân loại."

Ổ dịch này xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc cách đây hơn 2.600 năm trước khi lan sang Châu Âu qua Trung Á theo con đường tơ lụa. Về sau, dịch bệnh này đã lan sang châu Phi, có thể do một cuộc thám hiểm do thuyền viên Trung Quốc, Zhang He dẫn đầu từ thế kỷ 15. Vào cuối thế kỷ 19, dịch hạch đã lan từ Trung Quốc đến các cảng ở California, Hawaii của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục