Người góp công xây "Chiếc cầu hữu nghị Hàn-Việt"

Người góp công xây lại cây cầu Hàn-Việt là giáo sư Ahn Hee-hwan, nhà nghiên cứu Việt Nam học đã học, giảng dạy tiếng Việt tới 45 năm.
Tôi quyết định viết về ông - giáo sư Ahn Hee-hwan bởi ông là nhà nghiên cứu Việt Nam học đáng kính đã có quá trình học tập và giảng dạy tiếng Việt tới 45 năm.

Tuy nhiên, thời điểm tôi muốn công bố những bài viết này là dịp Việt Nam kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bởi trong thời khắc lịch sử trọng đại đó, giáo sư Ahn Hee-hwan cũng có mặt tại Sài Gòn.

Người hạ Quốc kỳ Hàn Quốc tại Đại sứ quán ở Sài Gòn

Trong giới học giả Việt Nam học tại Hàn Quốc, có lẽ không ai không biết đến Giáo sư Ahn Hee-hwan. Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới, giáo sư Ahn đã dịch sang tiếng Hàn Quốc trên 100 văn bản liên quan đến luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, tài liệu kinh tế, xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng, tài liệu liên quan đến các kỳ bầu cử và các kỳ họp Quốc hội của Việt Nam.

Những tài liệu do ông cung cấp đã góp phần giúp các cơ quan chính phủ cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu hơn, nhận định đúng hơn về bức tranh kinh tế Việt Nam. Với sự đóng góp thầm lặng cho quá trình giao lưu giữa hai nước, năm 2009, ông đã được Hội Liên hiệp các tổ chức hòa bình và hữu nghị với Việt Nam tặng Huy chương vì hòa bình và hữu nghị với Việt Nam.

Có lẽ số phận đã được định đoạt khi năm 1965, ông được phân công học tiếng Việt trong lớp công chức Hàn Quốc gồm 15 người. Cũng chính vì vậy, sau này, ông trở thành một trong những giáo sư đầu tiên tham gia sáng lập và giảng dạy tại khoa tiếng Việt ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc vào năm 1968. Có lẽ, sẽ chẳng có nhiều điều để nói nếu công việc giảng dạy cứ diễn tiến và ông trở thành một giáo sư đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên Hàn Quốc học tiếng Việt.

Giáo sư Ahn cho rằng gọi là định mệnh cũng được hay là nhân duyên cũng đúng khi ông nhận quyết định điều chuyển sang miền Nam Việt Nam vào những ngày cuối cùng của tháng 3/1975 để rồi trở thành người cuối cùng của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Sài Gòn hạ cờ vào sáng 28/4/1975 và chứng kiến thời khắc lịch sử: Sài Gòn giải phóng vào trưa 30/4/1975.

Trong bức thư điện tử gửi cho tôi mới đây, giáo sư Ahn viết: "Tháng Tư có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Ngày 30/4, là ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi cùng những người Hàn Quốc yêu Việt Nam xin nhiệt liệt chúc mừng 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam."

Nhà ngoại giao nhân dân

Giáo sư Ahn đã làm đơn xin phép trở lại Việt Nam từ đầu năm 1989, khi Việt Nam và Hàn Quốc còn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Ước muốn trở lại Việt Nam bùng lên sau khi ông bắt tay nghiên cứu kinh tế Việt Nam và dịch các văn bản luật pháp của Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.

Trong năm 1989, ông đã dịch sang tiếng Hàn Quốc và xuất bản "Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam," "Quy định chi tiết việc thi hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam." Tiếp đó, ông dịch "Luật quản lý ngoại hối Việt Nam" và cho ra mắt nguyệt san “Tình hình kinh tế Việt Nam."

Giáo sư Ahn tâm sự, khi đó, nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam đã xuất hiện nhiều trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc, song do hai nước chưa thiết lập quan hệ, thông tin về tình hình Việt Nam rất hiếm và không đáp ứng được nhu cầu.

Chính vì vậy, một mặt ông nỗ lực thu thập, tổng hợp và phân tích các thông tin kinh tế liên quan đến Việt Nam, mặt khác mong muốn được sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế, tìm cách kết nối giao lưu học giả giữa hai nước hướng tới những hợp tác rộng mở hơn sau này.

Tiến trình xin phép và làm thủ tục sang Việt Nam của ông cũng lắm nỗi gian nan do ông từng có thời gian chấp hành cải tạo. Song, mọi khó khăn đều được tháo gỡ với sự hợp tác tích cực của cả giới chức hai bên. Và ngày 19/5/1990, ông đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội theo lời mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Sau gần 20 năm, khi trò chuyện với tôi về cảm tưởng đặt chân đến Thủ đô Hà Nội khi đó, ông đã không kìm được nước mắt. Ông nói: khi đó tôi cảm nhận rõ ràng được sự hy sinh lớn lao của một hậu phương lớn. 15 năm sau chiến tranh, Hà Nội - thủ đô của Việt Nam vẫn còn nguyên sơ quá: chưa có nhà cao tầng, đường phố chỉ lác đác ôtô...

Tài sản vô cùng quý giá mà ông mang về từ Việt Nam khi đó là một vali chứa đầy tài liệu các văn bản luật pháp của Việt Nam và các số liệu kinh tế. Trong chuyến đi đó, ông đã được trò chuyện với các cán bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế thế giới và Bộ Xây dựng Việt Nam.

Cũng chính từ chuyến thăm này, chỉ một năm sau đó, Viện CIEM và Viện Kinh tế thế giới của Việt Nam chính thức trao đổi thông tin và tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác chính thức sau này với Học viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và Viện Nghiên cứu kinh tế và kỹ thuật Hàn Quốc (KIET).

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Một cây làm chẳng nên non..." và giáo sư Ahn đã hoàn toàn chính xác khi ông nghĩ rằng cần phải kết nối các học giả hai nước và chỉ có họ, với một hệ thống nghiên cứu chuyên nghiệp đã được thiết lập, mới có thể nhanh chóng tạo ra sự chuyển động trong các quan hệ hợp tác.

Cá nhân ông cảm thấy thật vinh hạnh khi được góp một phần nhỏ vào tiến trình thiết lập lại chiếc cầu hữu nghị Việt-Hàn./.

Khánh Vân/Seoul/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục