Tạo bước chuyển biến cơ bản trong ngành tư pháp

Đảng bộ Bộ Tư pháp cần tạo bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Bộ và toàn ngành tư pháp.
Ngày 12/8, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Tư pháp tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015.

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2005-2010 và quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015; tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015, các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng...

Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận định hướng công tác quan trọng của Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015.

Đảng bộ xác định phương hướng công tác nhiệm kỳ 2010-2015 là phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm; đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, cơ quan Bộ và ngành Tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Đảng bộ Bộ Tư pháp phối hợp với Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo tạo bước chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc về chất lượng và hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Bộ và toàn ngành tư pháp. Nâng cao một bước vị thế, vai trò của bộ, ngành tư pháp trong việc giúp Chính phủ quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật; quản lý công tác thi hành án dân sự, quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tích cực tham gia bổ sung, hoàn thiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 phù hợp với yêu cầu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và Cương lĩnh phát triển đất nước (bổ sung).

Đảng bộ tập trung hoàn thành việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành tư pháp đến năm 2020 phù hợp với lộ trình cải cách bộ máy nhà nước nói chung, cải cách tư pháp nói riêng và tổ chức thực hiện từng bước có hiệu quả các Chiến lược quy hoạch này. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về cải cách tổ chức và hoạt động tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 tất cả các lĩnh vực hoạt động do ngành tư pháp quản lý đều có luật điều chỉnh trên cơ sở xây dựng mới một số luật còn thiếu và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật hiện có.

Đảng bộ cũng nâng cao chất lượng hoàn thành các nhiệm vụ thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý của ngành theo các định hướng, yêu cầu cải cách tư pháp, tập trung vào việc đảm bảo sự gắn kết, thông suốt giữa xây dựng và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp nhằm phục vụ đắc lực cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực xét xử của tòa án; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận các nhiệm vụ mới được giao theo lộ trình cải cách...

Trong nhiệm kỳ vừa qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; sự phối hợp lãnh đạo giữa cấp ủy Đảng với chính quyền ở cả cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn, đưa lại hiệu quả rõ rệt trong nhiều lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Bộ Tư pháp.

Trong 5 năm qua ngành tư pháp giữ vai trò trung tâm trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần tạo ra chuyển biến trong việc nâng cao vị trí của hệ thống pháp luật Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Công tác thi hành án dân sự có bước tiến bộ rõ rệt về quy mô, chất lượng thi hành án, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm công bằng và duy trì trật tự xã hội. Kết quả thi hành án năm sau tăng hơn năm trước, thể chế thi hành án ngày càng được hoàn thiện.

Công tác hành chính tư pháp ngày càng phát triển đi vào nền nếp, cải cách hành chính về thủ tục được tăng cường, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế. Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp tục được hoàn thiện, thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm đã phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Công tác bổ trợ tư pháp đã hoàn thiện về tổ chức, hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp và xây dựng đội ngũ chức danh bổ trợ tư pháp tạo một bước chuyển biến đáng kể cả về mô hình và chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản có nhiều khởi sắc, góp phần tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo an toàn pháp lý cho thị trường bất động sản cũng như bảo đảm nhu cầu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.../.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục