Hạ lãi suất cho vay, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận

Một số ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm lớn nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được lãi suất này là điều rất khó.
Mặc dù một số ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm khá lớn nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được với mức lãi suất mới này.

Chưa thể giảm sâu

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, một số ngân hàng công bố sẽ giảm lãi suất cho vay trong tháng 5. Tuy nhiên, trên thực tế mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức khá cao (11,5%/năm), do vậy, số ngân hàng thực sự hạ lãi suất cho vay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Từ đầu tháng 5 tới nay, một số ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất huy động.

Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cho biết, giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp xuống 13,5-14,5%/năm, khách hàng tốt chỉ còn 13%/năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm 1% đối với vay ngắn hạn và 0,5% đối với vay trung, dài hạn. Trong đó, nhiều đối tượng khách hàng được vay với lãi suất 13%/năm, thậm chí 12,5%/năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt đưa lãi suất cho vay thấp nhất chỉ còn 13%/năm, Vietcombank cho vay ở mức 14-14,5%/năm, Ngân hàng Á Châu cho vay từ 14-15,5%/năm... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng vay được mức lãi suất này.

Ông Ngô Tấn Giác - Giám đốc Công ty Cà phê Thu Hà cho biết: "Chúng tôi thấy các phương tiện thông tin đại chúng thông báo nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay nhưng trên thực tế, tuần trước, cà phê Thu Hà được một ngân hàng chào vay với lãi suất lên tới 15-16%/năm."

Ông Giác cho biết thêm, doanh nghiệp luôn chịu bất lợi khi vay tiền vì khi lãi suất thị trường lên thì ngân hàng điều chỉnh lên, nhưng lãi suất hạ thì họ lại không điều chỉnh xuống. Doanh nghiệp phải đợi tới khi đáo hạn mới được hưởng lãi suất mới. Do đó, Nhà nước nên có chính sách với lãi suất dài hạn và bền vững để doanh nghiệp có hướng đầu tư, phát triển sản xuất lâu dài.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn cao. "Tiếp cận vốn dễ dàng hơn, cơ chế thỏa thuận giúp minh bạch các khoản vay, không còn hiện tượng thu thêm phí. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức cao, phổ biến khoảng 14-14,5%/năm, thậm chí có ngân hàng thương mại áp dụng mức 15-16%/năm. Nếu lãi suất cho vay ngắn hạn trong khoảng 10-12%, lãi suất cho vay dài hạn từ 12-14%/năm thì doanh nghiệp có khả năng chịu đựng được," ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Công ty thực phẩm Asia nói.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận định: “Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã ở mức hợp lý hơn (13-14%/năm) đối với doanh nghiệp. Nhưng để doanh nghiệp phát triển sản xuất vẫn cần tiếp tục kéo giảm lãi suất. Tuy nhiên, không thể nói hạ là hạ được ngay mà lãi suất sẽ do cung cầu thị trường quyết định."

Áp lực đầu vào

Một số ngân hàng cho biết, chưa thể hạ ngay lãi suất cho vay vì "trót" huy động nhiều với lãi suất cao và thực tế mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cũng không thấp. Hiện, đa số các ngân hàng ấn định lãi suất huy động quanh mức 11,5%/năm. Do vậy, lãi suất huy động khó giảm ngay được.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, ACB và một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Thực tế, các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt. Do đó, không hạ lãi suất thì không thể cho vay được.

"Xu hướng giảm như thế nào sẽ tùy thuộc vào thị trường quyết định. Vốn khả dụng của một số ngân hàng đang dư thừa, nhưng không vì thế mà lãi suất cho vay có thể giảm ngay vì lãi suất huy động vẫn cao," ông Toại cho biết thêm.

"Muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất tiết kiệm. Với tình hình hiện nay, việc giảm lãi suất là không dễ đối với các ngân hàng. Giảm lãi suất phụ thuộc nhiều vào cung-cầu vốn của thị trường trong thời gian tới," ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nói.

Nhận định về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận khoảng 14%/năm, nếu giảm mức lãi suất cho vay xuống 12-13%/năm sẽ là mức hợp lý hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động không nên vượt quá 10%/năm. "Tôi tin lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm xuống vì chỉ số giá tiêu dùng đang giảm dần, tạo cơ sở cho các ngân hàng hạ lãi suất huy động và cho vay", ông Cao Sỹ Kiêm cho biết.

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất cho vay sẽ giảm thêm ít nhất 0,5%/năm trong tháng 5 và dần ổn định ở mức 12-13,5%/năm. Nền kinh tế đang cần vốn giá rẻ và nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu vốn./.

Hữu Vinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục