LHQ: Giải trừ vũ khí hạt nhân là ưu tiên cao nhất

Các nước thành viên Liên hợp quốc kêu gọi thúc đẩy kế hoạch dài hạn và từng bước tiến tới Công ước cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Sau ba ngày tranh luận, ngày 6/4, Ủy ban Liên hợp quốc về giải trừ quân bị (DC) đã đạt được thỏa thuận về chương trình nghị sự hoạt động của Ủy ban trong bối cảnh bế tắc về chương trình nghị sự kéo dài suốt 12 năm đã đặt lại thành vấn đề về sự tồn tại của chính Ủy ban.

Chương trình nghị sự cho chu kỳ hành động 3 năm hiện hành chủ yếu tập trung vào hai đề mục căn bản nhất là giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân; các biện pháp xây dựng lòng tin thực tiễn trong lĩnh vực vũ khí thông thường. Hai nhóm làm việc sẽ được thành lập để thúc đẩy hai đề mục quan trọng này.

Các đề mục khác trong chương trình nghị sự của Ủy ban là các hội nghị thực chất về Thập kỷ giải trừ quân bị thứ 4 và phương pháp làm việc của Ủy ban.

Đại diện các nước đã đánh giá cao đề nghị của các nước không liên kết tại Liên hợp quốc về việc giữ nguyên cách diễn đạt về đề mục giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong dự thảo chương trình nghị sự của Ủy ban năm 2011. Đây là một sự thỏa hiệp giúp tạo được sự nhất trí trong các nước thành viên của Ủy ban.

Các nước không liên kết kêu gọi các nước thể hiện sự linh hoạt cao nhất để thúc đẩy chương trình nghị sự vừa được thỏa thuận nhằm xây dựng môi trường thế giới an ninh, hòa bình, hợp tác và ổn định.

Các nước cần hợp tác để củng cố chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và đảm bảo các nỗ lực quốc tế khách quan, không phân biệt nhằm giải quyết các điểm nóng về phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các biện pháp chính trị ngoại giao.

Các nước thành viên Liên hợp quốc khẳng định giải trừ vũ khí hạt nhân phải là ưu tiên cao nhất và kêu gọi thúc đẩy kế hoạch dài hạn và từng bước tiến tới Công ước cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, trong đó các nước sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm chủ yếu và đặc biệt tiếp tục giảm mạnh mẽ và thực chất tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hủy diệt này.

Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cũng cần giảm vai trò của vũ khí này trong chính sách an ninh quốc gia của họ đồng thời tất cả các nước cần nỗ lực phối hợp để Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) sớm có hiệu lực quốc tế.

Về vũ khí thông thường, các nước ủng hộ tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin thực tiễn và khả thi đồng thời thúc đẩy các nỗ lực quốc tế thực hiện các biện pháp thích hợp để định chế phù hợp việc buôn bán vũ khí thông thường và chống lại buôn bán vũ khí bất hợp pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục