Kinh tế Syria bị ảnh hưởng bởi biểu tình, trừng phạt

Tình hình bất ổn tại Syria do biểu tình và bạo lực khiến hơn 3.500 thiệt mạng kể từ tháng Ba, và ngoại thương nước này giảm hơn 50%.
Các tổ chức quốc tế ngày 10/11 cảnh báo, nền kinh tế Syria đang bị ảnh hưởng nặng nề do các cuộc biểu tình chống chính phủ và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Theo Giám đốc Viện nghiên cứu Carnegie về Trung Đông, ông Paul Salem, các cuộc biểu tình gây bạo lực, khiến hơn 3.500 thiệt mạng kể từ tháng Ba vừa qua, đã ảnh hưởng đến ngành du lịch của Syria, lĩnh vực tạo việc làm cho 11% số lao động và đóng góp tới 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nước này - cụ thể là hơn 7,6 tỷ USD trong năm 2010.

Tình hình bất ổn cũng khiến ngoại thương của Syria giảm hơn 50% và đầu tư nước ngoài ngừng lại.

Theo các chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp Syria, hơn 4 tỷ USD đã rơi khỏi "hầu bao" của Damacus kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu lan rộng hồi tháng Ba vừa qua, trong khi đồng bảng Syria bị rớt giá mạnh so với đồng USD.

Thêm vào đó, Chính phủ Syria cũng đang chịu sức ép bởi các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, nhằm buộc Damacus sớm chấm dứt tình trạng bao lực và cải cách chính trị. Trong đó, lệnh cấm vận của EU đối với ngành dầu mỏ Syria, được áp đặt từ đầu tháng Chín vừa qua, khiến nước này bị thất thu gần 450 triệu USD mỗi tháng.

EU là đối tác tiêu thụ tới 95% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Syria và cung cấp tới 1/3 nguồn thu ngoại tệ của quốc gia này.

Hiện EU đang xem xét trừng phạt bổ sung Syria, trong đó có việc phong tỏa các khoản tín dụng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu dành cho nước này.

Bộ Tài chính Syria trước đó dự đoán, mức tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay sẽ bị giảm khoảng 1%. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo việc phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt sẽ khiến kinh tế Syria năm nay giảm 2% so với mức tăng trưởng 3,2% năm ngoái.

Ngày 10/11, trong bức điện gửi Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi, Ngoại trưởng Syria Walid el-Mouallem đã chỉ trích việc Mỹ kêu gọi các nước Arập trừng phạt Syria về mặt chính trị và kinh tế.

Ông cho rằng, đây là một bằng chứng chứng tỏ sự can thiệp của nước ngoài, đồng thời cảnh báo về mối nguy hiểm với những quan điểm như vậy cho sự hợp tác với Arập.

Ông Mouallem đồng thời tái khẳng định cam kết của Syria thực hiện kế hoạch giải quyết khủng hoảng do AL đề xuất, theo đó Damacus chấm dứt hoàn toàn bạo lực, rút quân đội khỏi các thành phố và các khu vực dân cư, đồng thời trả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ.

Ông Mouallem cho biết, đại diện của Syria tại AL sẽ thông báo cho các ngoại trưởng Arập về tiến trình thực hiện kế hoạch này. Theo kế hoạch, AL sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 12/11 để thảo luận về tình hình Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục