Tìm các biện pháp bình ổn giá cao su thế giới

Ba nhà sản xuất cao su hàng đầu là Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về các biện pháp bình ổn giá cao su.
Một quan chức cấp cao của Côngxoócxiôm Cao su Quốc tế (IRCo) có trụ sở tại Bangkok, ông Yium Tavarolit, ngày 15/1 cho biết ba nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 17-19/1 tại Kuala Lumpur (Malaysia) để bàn về các biện pháp bình ổn giá cao su.

Theo ông Yium Tavarolit, các bộ trưởng của ba nước trên sẽ xem xét lại các biện pháp hiện thời và thông qua các chính sách bổ sung nhằm ngăn chặn việc giá cao su đang trở nên quá bất ổn.

Sau khi tụt giảm tới 2/3 giá trị trong nửa cuối năm 2008, giá cao su đang có xu hướng tăng trở lại về mốc giá cao nhất trong 56 năm qua, được lập vào giữa năm 2008, là trên 3USD/kg, trong bối cảnh giá dầu tăng cao và nguồn cung hạn hẹp tại các nước sản xuất chính.

Giá mặt hàng chiến lược này đã khá bất ổn trong 2 năm trở lại đây, và mặc dù tỏ ra hài lòng với các mức giá cao hiện tại, Thái Lan - nhà sản xuất cao su lớn nhất thế giới vẫn muốn có các kế hoạch hỗ trợ trong trường hợp cao su bị giảm giá trong tương lai.

Thực tế, trong bối cảnh giá cao su giảm xuống mức thấp 1,10USD/kg vào tháng 12/2008, ba nước trên - chiếm tới 70% sản lượng cao su trên thế giới - đã nhất trí áp dụng các biện pháp cắt giảm lượng xuất khẩu trong năm 2009 để nâng đỡ thị trường.

Thế nhưng, trong năm 2009, giá cao su đã hồi phục, thậm chí hồi phục vào ngay trước cả khi kế hoạch cắt giảm xuất khẩu trên có hiệu lực, và đã tăng lên các mức cao hơn từ tháng 11/2009, khi thời tiết không thuận lợi đã làm giảm sản lượng vào đúng lúc nhu cầu tăng cao.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/1, giá cao su Thái Lan loại RSS3 đã leo lên 3,12USD/kg, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, trong khi trước đó, vào đầu năm, giá loại cao su này đã có lúc vọt lên 3,25USD/kg, mức giá cao nhất trong 56 năm qua.

Trong khi đó trên thị trường Tokyo, giá các hợp đồng cao su chủ chốt lại giảm nhẹ, do giá dầu tiếp tục giảm trên thị trường châu Á. Tuy nhiên, mức giá vẫn trên ngưỡng tâm lý quan trọng 300 yen/kg.

Các nhà giao dịch cũng như giới phân tích và các quan chức trong ngành đều dự kiến rằng giá cao su trong ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu.

Thêm vào đó, các nỗ lực hợp tác nhằm kiềm chế đà tăng giá của cao su, nhân tố tác động xấu đến nhu cầu mặt hàng này về dài hạn, có thể sẽ bị cản trở do việc không có các kho dự trữ để có thể can thiệp vào mức giá khi cần thiết.

Đề cập về vấn đề này, ông Asril Sutan Amir, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonesia cho biết: "Chúng tôi sẽ bàn về vấn đề các kho dự trữ. Bây giờ chúng tôi còn chưa có và điều này khiến chúng tôi còn bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết".

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan Supachai Phosu cho rằng hiện tại,ông chưa thấy có lý do để tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn đà tăng của giá cao su.

Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban hồi tháng 12 vừa qua cũng nói rằng Chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện các biện pháp để giữ giá cao su RSS3 của nước này ở mức trên 2,42USD/kg, mức giá được cho là có lãi cho người nông dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục