Phố Wall đánh dấu tuần giảm thứ tư trong năm tuần

Bất chấp đà tăng điểm liên tiếp trong hai phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ vẫn khép lại tuần giao dịch trong không khí ảm đạm.
Bất chấp đà tăng điểm liên tiếp trong hai phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ vẫn khép lại tuần giao dịch trong không khí ảm đạm, do sự chi phối chủ yếu từ cuộc họp chính sách mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Phố Wall duy trì sắc xanh trong liền hai phiên giao dịch 17 và 18/6, trước khi cuộc họp chính sách của Fed kết thúc, với hy vọng rằng thể chế tài chính này sẽ giữ nguyên các chương trình kích thích kinh tế hiện hành.

Thêm vào đó, báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà thầu xây dựng quốc gia Mỹ cho hay chỉ số thị trường nhà ở của nước này trong tháng 6 đã vọt lên mức 52, so với mức tương ứng 44 của tháng trước đó, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 50 kể từ tháng 4/2006, cũng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho sự đi lên của giá cổ phiếu.

Giới phân tích cho rằng báo cáo trên chứng tỏ các nhà thầu xây dựng nhận thấy điều kiện trên thị trường nhà đất Mỹ đang được cải thiện rõ rệt, giữa lúc nhu cầu mua nhà mới có xu hướng gia tăng.

Dù vậy, tâm lý đan xen của giới đầu tư về bước đi tiếp theo của Fed sau cuộc họp lần này vẫn hạn chế đà tăng điểm của các chỉ số chứng khoán.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường cổ phiếu Mỹ đã hoàn toàn đảo ngược khi cuộc họp của Fed kết thúc và các chỉ số đua nhau rớt điểm trong hai ngày giao dịch sau đó (19-20/6).

Mặc dù Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sau hai ngày nhóm họp vẫn quyết định giữ nguyên chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng (hay còn được biết đến là gói QE3), đồng thời duy trì mức lãi suất thấp gần 0%, do tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn cao trong khi tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Chính phủ.

Song chỉ ít phút sau đó, phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể đi đến quyết định thu hẹp dần quy mô của biện pháp kích thích tăng trưởng vào cuối năm nay và hướng tới chấm dứt hoàn toàn các chương trình này vào giữa năm 2014, nếu như nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục phục hồi đúng hướng.

Theo giới phân tích, tuyên bố của ông Bernanke đã “dội một gáo nước lạnh” lên sự hân hoan mà các nhà đầu tư vừa có được trong vài phút sau khi kết quả cuộc họp của Fed được công bố.

Thêm vào đó, phát biểu của người đứng đầu Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách tài chính Mỹ dường như đã có hẳn một lịch trình cụ thể cho việc rút bỏ các biện pháp nới lỏng có định lượng.

Đáng chú ý là xu hướng bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư trước lo ngại về những cảnh báo của ông Bernanke đã làm các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ trong phiên giao dịch 20/6 mất giá thảm hại nhất kể từ đầu năm 2013 tới nay.

Tổng cộng trong hai phiên giao dịch này, chỉ số danh giá Dow Jones đã bị mất 560 điểm, "dọn sạch" những kết quả đã thu được trong tháng Năm.

Ngoài ra, việc ngân hàng HSBC tung ra các số liệu sơ bộ cho thấy chỉ số quản lý sức mua (PMI) - thước đó chính đánh giá hoạt động chế tạo của Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong tháng 6, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 9 liên tiếp của chỉ số này, khiến nhiều người càng hoài nghi hơn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và do đó cũng tác động xấu tới thị trường chứng khoán.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 21/6), hoạt động bán tháo cổ phiếu dường như đã dịu bớt khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đảo chiều “nhích” nhẹ, nhưng Nasdaq Composite vẫn xác lập ngày giảm điểm thứ ba liên tiếp, do chịu tác động từ sự đi xuống của cổ phiếu hãng công nghệ Oracle.

Tuy nhiên, sự phục hồi mong manh của phiên này không giúp chứng khoán Mỹ thoát khỏi việc chứng kiến một tuần giảm sâu.

Chốt phiên giao dịch 21/6, chỉ số Dow Jones tăng 41,08 điểm, tương đương 0,28%, lên 14.799,40 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 4,24 điểm (0,27%), lên 1.592,43 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại hạ 7,39 điểm (0,22%), đóng cửa ở mức 3.357,25 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,8%, S&P 500 giảm 2,1% và Nasdaq giảm 1,94%. Đây cũng là tuần giảm điểm thứ 4 của thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 5 tuần vừa qua.

Tuần tới, giới đầu tư sẽ đón nhận một loạt các thông tin kinh tế mới và quan trọng từ Mỹ nhằm tìm định hướng kinh doanh sau một tuần lao đao với cuộc họp của Fed.

Theo dự kiến, chỉ số Case-Shiller về giá nhà ở tại Mỹ và báo cáo tăng trưởng GDP trong quý I năm 2013 đã được điều chỉnh của nước này sẽ là hai thông tin được nhiều người mong đợi nhất.

Bên cạnh đó, các số liệu về lượng đơn đặt hàng lâu bền, cùng với báo cáo về mức thu nhập và chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ cũng sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục