Tạo đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để tạo nên sự phát triển đột phá trong khoa học và công nghệ, cần thúc đẩy liên kết "3 nhà".
Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để có thể tạo nên sự phát triển đột phá trong khoa học và công nghệ, cần thúc đẩy liên kết "3 nhà" là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, nhằm phát triển kinh tế-xã hội một cách nhanh chóng và bền vững.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quân, trong mối liên kết này, nhà doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động kinh doanh.

Đứng bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ là các thể chế tài chính với các cơ chế thích hợp để có thể hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước xây dựng môi trường pháp lý, môi trường thông tin, tài trợ để khuyến khích liên kết giữa các tổ chức khoa học, công nghệ với các doanh nghiệp và người sản xuất.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đóng vai trò chủ lực và tiên phong trong việc đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu và làm chủ những công nghệ chiến lược và công nghệ mũi nhọn để sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao theo định hướng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chủ động đưa ra các yêu cầu về đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của sản xuất, của doanh nghiệp. Hoạt động nghiên cứu triển khai của các tổ chức khoa học và công nghệ cũng phải hướng theo chủ thể của khách hàng.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Mặc dù từ năm 2002-2008, Bộ đã hỗ trợ trên 150 tỷ đồng cho 150 doanh nghiệp vào các hoạt động nghiên cứu.

Song nhìn chung các doanh nghiệp mới chỉ đầu tư khoảng 0,2-0,3% doanh thu cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Rất ít doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu triển khai và có quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Ngay cả các tập đoàn kinh tế lớn, các Tổng công ty 90 và 91 của Nhà nước cũng ít quan tâm đầu tư khoa học và công nghệ cho chính đơn vị mình. Hiện đang tồn tại một nghịch lý là một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty trước đây được Nhà nước giao quản lý các viện nghiên cứu chuyên ngành mạnh, nay lại chuyển trả các viện này về các bộ chủ quản.

Chưa kể kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ do Chính phủ phân bổ cho các địa phương hàng năm bị sử dụng không đúng mục đích, không có hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ đóng góp của khoa học và công nghệ vào nền kinh tế Việt Nam chỉ ở khoảng 22-23%. Đây là tỷ lệ thấp so với thế giới cũng như trong khu vực.

Bởi vậy, giải pháp thúc đẩy liên kết "3 nhà", cùng với việc mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực khoa học công nghệ theo hướng mua bán, trao đổi, cùng hợp tác nghiên cứu; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài thành lập các tổ chức chuyên ngành này tại Việt Nam, chắc chắn sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển vững chắc./.

Văn Hào (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục