Siết chặt quản lý kinh doanh xăng dầu vùng biên giới

Bộ Công Thương sẽ quản chặt kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới bằng thông tư có hiệu lực từ 15/9, nhằm tránh xuất lậu mặt hàng này.
Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư số 28/2001/TT-BCT hướng dẫn quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới, theo đó việc bán xăng, dầu có tổng giá trị thanh toán mỗi lần từ 200.000 đồng trở lên đều phải lập hóa đơn ghi rõ tên, địa chỉ người mua.

Trường hợp bán xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn nhưng phải ghi và theo dõi trên bảng kê.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có quyền áp dụng một số biện pháp đặc thù trong trường hợp giá bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu tại khu vực có chung biên giới của nước ngoài từ 10% trở lên hoặc xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra Quyết định áp dụng một số biện pháp đặc thù, trong đó nêu rõ địa bàn và thời hạn áp dụng.

Riêng về thời gian bán hàng, thông tư cũng qui định việc bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới từ 06h00 đến 18h00 hàng ngày. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh thời gian bán xăng dầu tại từng địa bàn phù hợp với tình hình thực tế.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định lượng xăng, dầu tối đa mà cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới được phép bán cho phương tiện vãng lai nước ngoài, bao gồm:

Lượng bán xăng, dầu tối đa cho mỗi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe ôtô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy và các loại xe tương tự, nhưng không được vượt quá định mức 50 lít/lần/ngày cho mỗi phương tiện.

Đối với phương tiện thủy gồm tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác có động cơ chuyên hoạt động trên đường thủy, nhưng cũng không được vượt mức 100 lít/lần/ngày cho mỗi phương tiện.

Trong trường hợp do điều kiện địa lý, cần phải quy định lượng bán xăng, dầu vượt mức quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép điều chỉnh tăng lượng bán xăng, dầu lên nhưng không quá 20% đối với từng loại phương tiện cụ thể và phải thông báo về Bộ Công Thương bằng văn bản.

Tuy nhiên, các quy định tại điều này không áp dụng cho tàu thuyền chở hàng siêu trường, siêu trọng, tàu thuyền du lịch liên vận quốc tế.

Ngoài ra, việc bán xăng dầu chỉ được bơm trực tiếp vào bình chứa chính của phương tiện vãng lai nước ngoài, không bán vào các dụng cụ chứa đựng khác, kể cả bình phụ chứa nhiên liệu gắn ở phương tiện và phải lập hóa đơn, ghi rõ biển kiểm soát của phương tiện.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, thời gian qua tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực một số tỉnh biên giới diễn ra phức tạp, do giá xăng dầu trong nước chênh lệch khá cao so với một số nước lân cận.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu luôn gặp nhiều khó khăn do đối tượng tham gia xuất lậu xăng dầu chủ yếu là cư dân khu vực biên giới giả làm người tiêu dùng mua xăng dầu vào can nhựa loại 5-10 lít sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi nylon để vận chuyển sang biên giới bằng xe máy, xe đạp, thậm chí vác bộ qua biên giới.

Với việc ban hành Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2011 này thì tổ chức, cá nhân vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục