Pháp đã thông qua Hiệp ước về tài chính châu Âu

Pháp đã trở thành nước thứ 13 trong Liên minh châu Âu (EU) và thứ 9 trong Eurozone thông qua Hiệp ước tài chính châu Âu.
Ngày 11/10, với 306 phiếu ủng hộ, 32 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua Hiệp ước tài chính châu Âu.

Như vậy, cùng với việc Hạ viện đã thông qua hôm 9/10, Pháp trở thành nước thứ 13 trong Liên minh châu Âu (EU) và thứ 9 trong Khu vực đồng euro (Eurozone) phê chuẩn văn bản pháp lý yêu cầu các nước thành viên Eurozone có mức nợ cao duy trì thâm hụt ngân sách dưới 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone hiện nay.

Ngoài việc kêu gọi duy trì thâm hụt ngân sách dưới 0,5% GDP, Hiệp ước tài chính châu Âu (có tên chi tiết là Hiệp ước về ổn định, hợp tác và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế) còn buộc các nước Eurozone khôi phục ổn định tài chính nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tháng Ba vừa qua, 25/27 nước thành viên EU (trừ Anh và Cộng hòa Séc), đã ký kết Hiệp ước tài chính châu Âu, được soạn thảo theo sáng kiến của Đức và Pháp, nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách và ngăn chặn thâm hụt ngân sách quá mức cho phép (3% GDP).

Hiệp ước tài chính châu Âu phải được ít nhất 12/17 nước thành viên Eurozone thông qua để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Tất cả các nước ký hiệp ước này phải đưa quy định nói trên vào hiến pháp và quá trình này sẽ do Tòa án Tư pháp châu Âu giám sát. Các nước chậm trễ trong việc sửa đổi hiến pháp có thể bị phạt tới 0,1% GDP và khoản tiền này được chuyển vào Quỹ bình ổn tài chính của EU.

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ theo dõi mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nếu thâm hụt ngân sách của một nước trong năm vượt ngưỡng 3% GDP, một cơ chế điều chỉnh sẽ tự động vận hành, theo đó EC khuyến nghị nước này thực hiện một gói biện pháp bắt buộc để bình ổn tình hình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục