Những điểm sáng nổi bật của Việt Nam năm 2010

Điểm sáng nổi bật trong những dấu ấn của Việt Nam năm 2010 là tăng trưởng kinh tế phục hồi, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô...
Năm 2010 đã trôi qua với nhiều dấu ấn đối với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điểm sáng nổi bật trong những dấu ấn đó là tăng trưởng của nền kinh tế được phục hồi trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu khủng hoảng, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng...

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2005-2010 còn in đậm những thành công rực rỡ trong công tác đối ngoại mà đỉnh cao là Hội nghị cấp cao ASEAN 17 cùng những vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Những kết quả này, có được là nhờ dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội và sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, mỗi người dân, mỗi thành phần kinh tế, trong đó công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đóng vai trò then chốt.

Kinh tế tăng trưởng ổn định, an sinh-xã hội được giữ vững


Năm 2010, GDP tăng 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%), trong đó tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,78%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% và dịch vụ tăng 7,52%.

Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006-2010 đạt 7%/năm và thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD...

Một trong những đóng góp quan trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng của năm 2010 là xuất khẩu đạt trên 71,6 tỷ USD tăng 25,5% so với năm 2009 và gấp hơn 4 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, nhập siêu đạt 12,4 tỷ USD bằng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức của thời kỳ hậu khủng hoảng, vấn đề nợ công, tình hình lạm phát giá cả tăng cao, thiên tai dịch bệnh nhưng năm 2010, Việt Nam vẫn được các Nhà tài trợ và bạn bè quốc tế cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn ODA đạt mức 7,905 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đạt 11 tỷ USD, 969 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 17,2 tỷ USD... Đây là minh chứng rõ nét cho Việt Nam - điểm đầu tư hấp dẫn, an toàn của các nhà đầu tư thế giới.

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2010 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sang các chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng ổn định.

Song song với phát triển kinh tế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, nhất là triển khai mạnh xóa đói giảm nghèo. Với mục tiêu này trong 5 năm 2006-2010, cả nước đã có 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn (7-8 triệu đồng/lượt/hộ), triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỳ thuật, 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí... Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010.

Đặc biệt là năm 2010 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 134 và 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện có tỷ lệ nghèo cao...

Đồng thời, Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực và chính sách trợ giúp người có công, bảo trợ xã hội tiếp tục được hoàn thiện, đã mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp.

Năm 2010 cũng là năm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới đã được quan tâm hơn, nhiều mặt đạt được kết quả tích cực, đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao. Giáo dục và đào tạo có bước phát triển, trong đó kỷ cương trong thi cử đã được thực hiện tốt hơn...

"Năm vàng" của ngoại giao Việt Nam


Có thể nói năm 2010 là năm vàng của ngoại giao Việt Nam, tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Hàng loạt sự kiện trong suốt Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010 và đặc biệt là đợt Hội nghị cấp cao 17 đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế về một Chủ tịch ASEAN chủ động, tích cực, trách nhiệm và rất tin cậy.

Những kết quả nổi bật của các Hội nghị Cấp cao ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN về các trụ cột kinh tế, văn hóa và xã hội... mà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và là nước chủ nhà Diễn đàn kinh tế Đông Á, được dư luận quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã tạo đà mới cho ASEAN cả về đoàn kết, cũng như tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN và phát huy vai trò của khu vực; không ngừng nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội, hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN.

Vị thế của Việt Nam càng được nâng cao thêm qua năm Chủ tịch ASEAN. Đó chính là kết quả của vị thế Việt Nam và đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước.

Đặc biệt với ASEAN, chúng ta chủ trương coi trọng hợp tác ASEAN - một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ, là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực. Đó là lợi ích chiến lược lâu dài của Việt Nam.

Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng đạt kết quả đáng khích lệ

Tiếp nối thành tích năm 2009, công tác cải cách hành chính tiếp tục được coi là một khâu đột phá với các nội dung là hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ trong năm 2010. Nổi bật là Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đồng thời chuẩn hóa và thống nhất thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; đang thực hiện đơn giản hóa 258 thủ tục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế, hải quan.

Công tác phòng, chống tham nhũng có những tiến bộ cả trong xây dựng thể chế, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Năm 2010, công tác thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với cơ quan kiểm tra của Đảng tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, quản lý, sử dụng tài chính doanh nghiệp, thuế, hải quan, xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng lãng phí.

Song song với đó, công tác cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, thể chế trong những lĩnh vực như: đất đai, thuế, hải quan, tài chính, doanh nghiệp...được triển khai có hiệu quả từ Trung ương tới địa phương.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và thực hiện các cuộc đối thoại đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hoạt động phòng, chống tham nhũng. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, công tác đối ngoại đạt kết quả quan trọng, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Nhìn thẳng vào khó khăn, đối diện với thách thức


Năm 2010 khép lại với ấn tượng về phiên trả lời chất vấn của Người đứng đầu Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội cuối năm. Đăng đàn trước quốc dân, đồng bào, Thủ tướng đã thẳng thắn đối diện với những vấn đề nhạy cảm nhất được đặt lên bàn chất vấn.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhận định bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam trong năm qua còn những hạn chế, yếu kém như năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Hiệu quả đầu tư còn thấp, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Phát triển nguồn điện chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giữ một phần lớn vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng; cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm...

Đáng lưu ý, giá tiêu dùng trong năm nay đang tăng trở lại vào các tháng cuối năm, so với tháng 12/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 tăng 11,75%, sự đổ vỡ tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Trả lời chất vấn trước cử tri và nhân dân cả nước tại nghị trường Quốc hội, Người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn tuyên bố nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ. Thủ tướng, Phó Thủ tướng và những thành viên Chính phủ có liên quan đang tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm.

Thường trực Chính phủ nhận định tình hình trên có nguyên nhân khách quan nhưng những khuyết điểm chủ quan trong quản lý điều hành ở các cấp, các ngành là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, cần sớm được khắc phục.

Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng, việc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững vẫn là những thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Nỗ lực vì các mục tiêu kinh tế xã hội 2011

Mục tiêu hàng đầu và là mục tiêu nhất quán của Chính phủ của cả năm 2011 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Chính phủ quyết tâm đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD.

Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh các công cụ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, coi đây là mục tiêu hàng đầu trong chỉ đạo điều hành với các trọng tâm là cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát và phấn đấu giảm bội chi. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường, tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ. Tăng cường quản lý giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá, nhất là giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, than đi đôi với phấn đấu giảm chi phí sản xuất và khai thác, nâng cao năng suất, hạ giá thành của các sản phẩm này; đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Trong năm 2010, Chính phủ sẽ tập trung rà soát danh mục đầu tư của Nhà nước, tập trung vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đã đủ thủ tục đầu tư và đang là những “nút thắt” cản trở sự phát triển, đồng thời đầu tư cao hơn cho nông nghiệp, nông thôn, các dự án giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục bán số cổ phần nhà nước không cần nắm giữ trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Cải cách các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cả về định hướng và nội dung hoạt động, cả về quản trị doanh nghiệp và cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, trong đó các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, nâng cao năng lực công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ chủ trương triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề, nhất là cho người nghèo, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, vùng đô thị hóa; xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược an sinh xã hội 2011-2020, Chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình việc làm giai đoạn 2011-2015, tập trung thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới thủ tục hành chính theo hướng tăng cường tính minh bạch, công khai, sát thực tiễn. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh việc phát hiện, điều tra, kết luận và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Giữ vững an ninh, quốc phòng và tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2011 sẽ là một năm hứa hẹn nhiều thành công nhưng cũng có không ít thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện và phải vượt qua. Đây cũng là năm có vai trò rất quan trọng bởi là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của 5 năm mới (2011-2015).

Để thực hiện thành công kế hoạch này cần có một tư duy tăng trưởng mới: Tăng trưởng dựa trên cơ sở một môi trường kinh tế thuận lợi (cả vi mô và vĩ mô), trong đó các nguồn lực được phân bổ một cách hợp lý, được sử dụng một cách hiệu quả và trọng tâm của tăng trưởng là chất lượng./.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục