Bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận với tinh thần dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các đề án.
Chiều 14/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã hoàn thành chương trình đề ra sau hơn một tuần làm việc.

Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ hội nghị đã tập trung trí tuệ, thảo luận với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các đề án.

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị cho hội nghị; biểu thị sự đồng tình với các nội dung tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị; nhất trí thông qua Nghị quyết về các vấn đề đã được xem xét, quyết định. Những nội dung được Hội nghị Trung ương thảo luận và quyết định lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một bước tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011, Hội nghị Trung ương cho rằng năm 2010, nền kinh tế đã có bước phục hồi khá nhanh, tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, đang lấy lại được đà tăng trưởng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Sản xuất, kinh doanh phát triển, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, ngành xây dựng có giá trị tăng thêm cao nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất nông nghiệp ổn định, an ninh lương thực được giữ vững. Thị trường trong và ngoài nước đã được khai thác tốt hơn, xuất khẩu tăng, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đều tăng cao so hơn năm trước. Các cân đối vĩ mô cơ bản đã được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, bội chi giảm so với dự kiến, lạm phát được kiềm chế, huy động được khối lượng vốn khá lớn cho đầu tư phát triển, nhập siêu giảm. An sinh xã hội tiếp tục được chăm lo tốt hơn.

Công tác giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hợp tác, hội nhập quốc tế được thúc đẩy. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Đạt được những thành tựu nói trên trong năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, một năm có nhiều sự kiện quan trọng và khó khăn, thách thức to lớn là điều có ý nghĩa, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp tích cực của toàn dân, toàn quân và các doanh nghiệp.

Chỉ rõ mặt hạn chế, yếu kém trong năm 2010 cần phải khắc phục, Tổng Bí thư cho rằng những yếu kém đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là do năm qua, Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; nhiều thiên tai và dịch bệnh khó lường. Công tác quản lý, điều hành và xử lý các vấn đề cụ thể còn nhiều bất cập. Đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm; nhiều dự án đầu tư triển khai chậm, kéo dài trong nhiều năm; vốn đầu tư bị xé nhỏ hoặc đề thua lỗ, thất thoát nặng nề. Công tác dự báo, đề xuất của một số cơ quan tham mưu, giúp việc còn yếu kém và chưa ngang tầm với yêu cầu.

Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, các cân đối lớn, định hướng về phát triển các ngành, các lĩnh vực và 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2011. Đó là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu; thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.

Trên cơ sở những định hướng này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét và quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2011.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015, Hội nghị Trung ương cho rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sắp tới sẽ còn thảo luận và cho ý kiến quyết định về các định hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm nhằm tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Do đó, tại hội nghị lần này, Trung ương thảo luận và cho ý kiến về những quan điểm phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách trong 5 năm tới. Đó là phát triển nhanh phải gắn với phát triển bền vững; đổi mới đồng bộ về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; phát huy mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học-công nghệ ngày càng cao, đồng thời, hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo nói trên và những quyết định của Đại hội về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới, sau Đại hội XI, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách 5 năm 2011-2015 với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá và các nhiệm vụ cụ thể để trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Quốc hội khóa XIII trong năm 2011.

Ban Chấp hành Trung ương cho rằng việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố vừa qua bước đầu đạt được một số kết quả, khẳng định chủ trương thí điểm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu nghiên cứu cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề mới cần kịp thời có giải pháp và tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết.

Thực tế cho thấy, đây là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị cần được tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp. Thời gian thí điểm còn ngắn nên chưa có đủ những căn cứ để đánh giá chính xác và đầy đủ. Do đó, Hội nghị Trung ương quyết định tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố như Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII đã quyết định.

Hội nghị Trung ương lần này đã thảo luận và thực hiện tiếp một bước hết sức quan trọng phương án công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sẽ trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Trên cơ sở của chủ đề Đại hội XI của Đảng cũng như của tình hình, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng trong nhiệm kỳ tới và với một tầm nhìn xa hơn, hội nghị đã dành nhiều thời gian phân tích kỹ về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Căn cứ vào phương hướng và quy trình công tác nhân sự, căn cứ vào ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, Tiểu ban Nhân sự của Đại hội XI sẽ phân tích, tổng hợp các ý kiến và chuẩn bị phương án nhân sự để trình Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) tiếp tục xem xét, cho ý kiến, bảo đảm cho việc chuẩn bị phương án nhân sự trình Đại hội XI của Đảng đạt kết quả tốt nhất.

Nhấn mạnh thời gian tổ chức Đại hội XI của Đảng đang đến gần, công việc chuẩn bị cho Đại hội còn nhiều, Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy đảng các cấp cần có kế hoạch để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Trước mắt, cần tích cực chỉ đạo việc khắc phục nhanh chóng các hậu quả nặng nề của lũ lụt vừa qua gây ra cho các tỉnh miền Trung, tiếp tục có những biện pháp chia sẻ những khó khăn, tổn thất của nhân dân ở vùng bị hại. Đồng thời, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy đảng các cấp cần lãnh đạo tốt việc tổ chức đại hội đảng ở các tỉnh, thành phố và các đơn vị còn lại theo đúng kế hoạch; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2010; có phương án triển khai thực hiện hiệu quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011; tham gia chuẩn bị thật tốt cho Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) vào cuối năm cũng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào đầu năm 2011 thành công tốt đẹp./.

Hương Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục