Các cử tri mong muốn cải tiến quy trình xây dựng luật

Nhận xét về phiên chất vấn của UBTVQH sáng 20/8, hầu hết các cử tri được hỏi đều bày tỏ mong muốn cải tiến quy trình xây dựng pháp luật.
Các câu hỏi chất vấn và nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 20/8 dưới hình thức trực tuyến, được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự theo dõi của đông đảo cử tri cả nước.

[Không còn Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư]

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại một số ý kiến cử tri liên quan đến phiên chất vấn.

Nội dung chất vấn "trúng" tâm tư nguyện vọng của cử tri

Đánh giá chung về phiên chất vấn, luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các đại biểu đã đặt câu hỏi sát thực, trúng vào những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, Luật chậm đi vào cuộc sống, còn có những nội dung thông tư gây bức xúc trong dư luận, tình trạng “treo” văn bản, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư…

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trả lời thẳng thắn, nhìn nhận chân thành các vướng mắc, tồn tại trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật gắn với trách nhiệm của Bộ Tư pháp và của Chính phủ.

Theo luật sư Đỗ Pháp, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, các câu hỏi của đại biểu nêu ra ngắn gọn, súc tích và nội dung sát với cuộc sống.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tư pháp khá rõ ràng và thẳng thắn, tuy nhiên chưa thật đầy đủ và cụ thể. Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn người dân sẽ hiểu thêm một phần lý do tại sao những văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng vẫn chưa được triển khai một cách triệt để, đồng thời qua đó người dân cũng sẽ cảm thông và chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản này...

Bà Võ Thị Như Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại các Sở Tư pháp trong cả nước đã tạo điều kiện cho những người làm công tác tư pháp tại địa phương hiểu rõ hơn và nắm chắc các vấn đề mà xã hội quan tâm. Những vấn đề được các đại biểu nêu ra rất bổ ích, phản ánh khá nhiều khía cạnh trên lĩnh vực tư pháp và đã phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng và những băn khoăn suy nghĩ của cử tri...

Cần thay đổi tư duy làm luật

“Vừa thiết kế lại vừa thi công” là nhận xét của luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh về thực trạng xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Cường đồng tình với ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi cho rằng, cần phải thay đổi tư duy làm luật để luật thực sự đi vào cuộc sống.

Bởi lẽ, theo luật sư Nguyễn Văn Cường, hiện nay trình tự xây dựng luật ở Việt Nam đang có vấn đề: Các đơn vị thuộc Chính phủ, Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng lại tham gia quá nhiều công việc lập pháp với hơn 90% dự án luật đều do cơ quan Chính phủ soạn thảo, đưa Bộ Tư pháp thẩm định rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Trong khi khối lượng công việc chuyên môn của các bộ, của Văn phòng Chính phủ, của Chính phủ là rất lớn, nguồn cán bộ pháp chế còn hạn chế cả về chuyên môn lẫn số lượng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, quy trình xây dựng luật nên để Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành, Chính phủ chỉ đề xuất chính sách, ý tưởng luật, như vậy sẽ giảm áp lực và số lượng công việc cho Chính phủ, để Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ hành pháp của mình.

Trên đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật trình Ban thường vụ Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật rồi chính Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành từ đầu việc xây dựng luật. Như thế sẽ vừa đảm bảo chuyên môn, tính cụ thể của luật được xây dựng. Chỉ khi thay đổi tư duy làm luật thì mới có thể hạn chế việc ban hành thông tư, tòa án mới thực hiện được quyền giải thích luật và tạo án lệ.

Quy trình hiện tại khiến cho luật thiếu tính cụ thể, khó áp dụng vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm định cuối cùng dự án luật nhưng lại không tham gia từ đầu nên vừa khi ban hành xong, luật phải chờ nghị định (cấp Chính phủ), thông tư (cấp bộ) hướng dẫn. Cũng với quy trình hiện hành, một mình Bộ Tư pháp sẽ phải đứng giữa “rừng luật” với “rừng” thông tư để thẩm định, là việc làm không xuể, mặc dù Bộ Tư pháp đã làm tốt trách nhiệm của mình.

Quy định rõ giá trị pháp lý của các ý kiến thẩm định

Bà Tống Thị Thanh Nam (Trưởng Phòng Kiểm tra và xử lý văn bản, Sở Tư pháp Hà Nội) cho rằng, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần quy định rõ giá trị pháp lý của các ý kiến thẩm định. Cụ thể, văn bản thẩm định là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ ban hành văn bản, phải được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, giải trình (bao gồm tiếp thu hoặc không tiếp thu). Văn bản thẩm định phải là cơ sở pháp lý để cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định khi ban hành văn bản.

Do vậy, theo bà Nam, cần phải có một cơ quan (hoặc bộ phận) thực hiện nhiệm vụ thẩm định văn bản, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao, trong đó đội ngũ cán bộ làm công tác này phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, hiểu biết về chính trị, xã hội và năng lực thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế kiểm soát trước và sau khi ban hành văn bản, bao gồm: từ việc phân tích, đánh giá chính sách, soạn thảo, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật... Trong đó cần làm rõ về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp đối với từng khâu kiểm soát, khắc phục tình trạng văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái pháp luật, gây ra hậu quả pháp lý cho xã hội nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến (Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội) đề xuất, cần đề cao giải pháp con người trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không phải cứ có trình độ cử nhân luật là tham gia được vào công tác soạn thảo, xây dựng văn bản, bởi việc xây dựng một văn bản luật không khác gì một công trình nghiên cứu khoa học.

Do đó, người xây dựng văn bản cũng như một nhà khoa học, phải có các tiêu chuẩn như: Là một tri thức chuyên môn, tri thức chính trị, có đạo đức trong sáng, có năng lực hoạt động thực tiễn, có trình độ nghiên cứu biên soạn... Cùng với đó, cần có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia, cán bộ công chức giỏi, có năng lực về công tác xây dựng văn bản đồng thời, đổi mới cách thức đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản theo hướng tăng cường tập huấn kỹ năng xử lý tình huống và nâng cao kinh nghiệm cọ sát thực tế đời sống./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục