Phát triển bền vững cây cao su ở miền núi phía Bắc

Hội nghị đánh giá phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc vừa qua, giải pháp phát triển thời gian tới, tổ chức 12/6, tại Sơn La.
Hội nghị đánh giá tình hình phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc thời gian qua và giải pháp phát triển thời gian tới, tổ chức ngày 12/6, tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Trong sáu năm qua (2006-2012), cây cao su được đưa vào trồng ở Tây Bắc và trồng thí điểm diện hẹp ở Đông Bắc đã đạt được một số kết quả có tính chất tiền đề. Hơn 19.000ha cây cao su được trồng mới bước đầu đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất. Người dân ở một số địa phương miền núi phía Bắc từ chỗ sản xuất mang tính tự cấp tự túc là chính, đã chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cây cao su được trồng tại nhiều địa phương đã góp phần khai thác và sử dụng tốt hơn tài nguyên đất đai và nguồn lao động tại chỗ. Từ đó, thu nhập và đời sống của người dân trong vùng đã được cải thiện đáng kể. Qua việc thử nghiệm các giống cây mới, bước đầu đã xác định được một số giống cây cao su có khả năng chịu lạnh, phù hợp với điều kiện của vùng, có thể chủ động sản xuất giống ở trong nước, làm tiền đề để phát triển vững chắc hơn ở giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị, Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển hiệu quả và bền vững cây cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Cục trồng trọt đề nghị, từ nay đến năm 2015 chưa đưa vấn đề điều chỉnh tăng quy mô diện tích trồng cây cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Sau năm 2015, trên cơ sở kết quả và hiệu quả sản xuất thực tế sẽ đề xuất chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển cho phù hợp. Ngoài ra, không quy hoạch trồng cao su ở độ cao trên 600m so với mực nước biển; những vùng có độ cao dưới 600m nhưng thường xuyên xuất hiện sương muối, có gió mạnh trong mùa Đông hay tầng đất mỏng cũng không bố trí trồng cao su.

Từ kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử giống cây cao su ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đề nghị các địa phương cần cập nhật các giống mới thích hợp với điều kiện sinh thái vung Tây Bắc như IAN 873, RRIV 124… để đảm bảo việc phát triển cây cao su mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết để phát triển có hiệu quả cây cao su tại khu vực miền núi phía Bắc, Tập đoàn đã đưa ra định hướng phát triển đến năm 2015 với hai vùng chính là Tây Bắc và Đông Bắc. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) sẽ hoàn thành diện tích trồng cao su giai đoạn một tối đa là 10.000ha/tỉnh. Sau đó tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm quá trình trồng cao su giai đoạn một trước khi triển khai giai đoạn hai.

Khu vực các tỉnh Đông Bắc (Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ) sẽ triển khai trồng thí điểm ở mỗi tỉnh từ 500 đến 1.000ha trên quỹ đất công, khi thử nghiệm thành công sẽ đưa vào vùng quy hoạch trồng cao su cả nước, và đưa vào trồng chính thức với quy mô lớn hơn./.

Lê Hữu Quyết (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục