Cần tách biệt tiêu dùng tài nguyên với tăng trưởng

Tiến trình tách biệt tiêu dùng tài nguyên với tăng trưởng phải được triển khai ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Ngày 26/5, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã kêu gọi các nước tách biệt tỷ lệ tiêu dùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khỏi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner nhấn mạnh tiến trình tách biệt tiêu dùng tài nguyên với tăng trưởng phải được triển khai trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Tốc độ tách biệt này đã và đang diễn ra, nhưng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu xã hội công bằng và bền vững.

Nghiên cứu của UNEP công bố nhân phát động Tuần lễ Xanh ở Brussels (Bỉ), cho thấy trong khi nhiều nước châu Âu có sự tách biệt giữa tỷ lệ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên với tốc độ tăng trưởng kinh tế thì ở nhiều nước châu Âu khác vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa nhân tố phát triển và nhân tố dân số.

Tỷ lệ trung bình tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo đầu người (tỷ lệ chuyển hoá) ở châu Âu là 13 tấn/người/ năm, nhưng ở nhiều nước như Phần Lan, tỷ lệ này lại lên tới 20 tấn/người/năm, cao hơn 6 tấn/người so với tỷ lệ chuyển hoá ở Đức hoặc Áo với cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tại nhiều nước khác như Ba Lan và Hungary, tỷ lệ chuyển hoá rất cao trong khi thu nhập bình quân theo đầu người rất thấp.

Nghiên cứu của UNEP nhấn mạnh Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với thách thức lớn khi thực hiện chiến lược sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong chương trình hành động của UNEP. Thách thức này cũng là thách thức chung toàn cầu.

Các nước công nghiệp phát triển có mật độ dân số cao thường có tỷ lệ chuyển hoá thấp (13 tấn/ người/năm), nhưng các nước có mật độ dân số thấp như Phần Lan, Mỹ và Australia lại có tỷ lệ chuyển hoá cao, thậm chí gấp hơn hai lần. Tỷ lệ chuyển hoá ở Anh là 10 tấn/người/năm, nhưng tỷ lệ này ở Bỉ lên tới 16 tấn/ người/ năm.

Cùng với sự gia tăng dân số và nền kinh tế thịnh vượng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nguy cơ tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng vọt vượt xa nguồn tài nguyên mà Trái Đất có thể cung cấp. Việc thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên rẻ, chất lượng cao đòi hỏi nhân loại phải nhanh chóng tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đô thị hoá có thể góp phần đáp ứng mục tiêu này vì các đô thị cho phép cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn và giảm bớt chi phí sản xuất.

Nghiên cứu của UNEP dự báo ba kịch bản để các nước phát triển và đang phát triển cùng hành động từ nay đến năm 2050 nhằm tách biệt tiêu dùng tài nguyên và tăng trưởng kinh tế. Kịch bản đầu tiên là ổn định tỷ lệ chuyển hoá của các nước phát triển, còn các nước đang phát triển phải tăng chế độ chuyển hoá để quân bình.

Theo kịch bản này, vào năm 2050, nhân loại sẽ tiêu thụ tới 140 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên cơ bản, gấp 3 lần so với hiện nay và điều này sẽ đưa thế giới tới một tương lai không bền vững và nguy hiểm.

Kịch bản thứ 2 là giảm nhẹ tỷ lệ chuyển hoá ở các nước phát triển, còn các nước đang phát triển tiếp tục tăng tỷ lệ này để quân bình. Theo kịch bản trên, nhu cầu tiêu dùng 4 loại tài nguyên thiên nhiên căn bản như nhiên liệu hoá thạch, quặng, khoáng sản và nhiên liệu truyền thống sẽ lên tới 70 tỷ tấn vào năm 2050 . Khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo đầu người sẽ tăng 50% và tổng lượng khí thải CO2 sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay, đẩy nhanh tình trạng biến đổi khí hậu.

Kịch bản thứ 3 là giảm mạnh tỷ lệ chuyển hóa ở các nước phát triển và điều chỉnh tỷ lệ này ở những nước đang phát triển để quân bình nhằm giảm tổng nhu cầu tài nguyên thiên nhiên toàn cầu xuống mức 50 tỷ tấn vào năm 2050, bằng mức của năm 2000. Như vậy, tổng lượng khí thải toàn cầu sẽ giảm xuống bằng mức của năm 2000. Đây là kịch bản tốt nhất để cứu nhân loại, tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định không dễ thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục