Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - “sát thủ” vô hình

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh có thể gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên có nhiều người vẫn coi thường bệnh này.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao. Số người mắc bệnh và tần suất tử vong đang có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người bị bệnh này thường coi thường việc đến cơ sở y tế để điều trị, chỉ đến khi bệnh diễn tiến nặng, nhiều người bệnh mới nhập viện nên nguy cơ tử vong cao.

Thuốc lá – Sát thủ gây bệnh

Phó giáo sư Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là loại bệnh đứng thứ 6 trong tổng số 10 bệnh thường gặp nhất hiện nay và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tại các cơ sở y tế, đây cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi.

Ông Châu cho hay, ở Việt Nam, theo những kết quả ban đầu trong đề tài nghiên cứu dịch tễ học bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cấp Nhà nước (năm 2009) cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh này chung của toàn quốc là 4,2%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%.

Hiện nay, trong số khoảng 6.000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi năm tại trung tâm hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, có 25%-30% là bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các bệnh nhân trên thường ở độ tuổi trên 50 và đến 90% trong số họ có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Những người có tiền sử hút thuốc lá nhiều hơn 20 điếu một ngày hoặc những người hay tiếp xúc với khói thuốc lá.

Những yếu tố nguy cơ khác của bệnh tắc nghẽn mạn tính như tiếp xúc khói, bụi nghề nghiệp; tiếp xúc thường xuyên khói bếp than, khói củi, rơm rạ; nhiễm trùng hô hấp.

Đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Văn Thanh (63 tuổi) đến từ Hà Nam cho hay, ông mắc bệnh đã gần 20 năm nay. Thoạt đầu ông có những dấu hiệu khó thở và chủ quan cho đó là do mệt, làm việc quá sức nên không đi khám. Năm 2005, chỉ đến khi khó thở nặng ông Thanh mới đi khám và lúc này tình trạng bệnh đã ở mức trầm trọng. Chỉ đến khi bệnh nặng ông Thanh mới nghĩ đến việc bỏ thuốc lá. Từ đó đến nay, cứ một năm ông phải 3-4 lần nhập viện để điều trị.

Bà Mai Thị Ngọc (hơn 60 tuổi, ở Hải Phòng) đang được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với tình trạng khó thở, mệt mỏi, thóp ngực, người gầy còm. Các bác sỹ cho biết, nguyên nhân bà bị bệnh là do hút thuốc lào.

Bà Ngọc cho biết bà từng hút thuốc lào khi còn rất trẻ, từ khi hơn 10 tuổi. Mấy năm gần đây bà thấy ho nhiều, nuốt khó nên đi khám bệnh và được các bác sĩ kết luận bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Từ đó đến nay mỗi khi thay đổi thời tiết, bà Ngọc hay phải nhập viện.

Giáo sư Châu cho hay, có tình trạng hiện nay là nhiều người bệnh do chỉ đi khám một lần, sau đó tự điều trị ở nhà. Những lần tái phát bệnh sau đó, họ vẫn dùng đơn thuốc cũ mà bác sỹ kê trước đó. Vì vậy, khi bệnh nặng hơn mà bệnh nhân vẫn điều trị theo đơn thuốc cũ khiến cho bệnh càng nặng hơn.

Bệnh diễn biến âm thầm

Theo phó giáo sư Châu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được coi là “sát thủ” vô hình đối với con người bởi bệnh diễn biến âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì nhưng người bệnh sẽ thường xuyên bị thiếu ôxy trong máu, gây mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ho, suy nhược, thậm chí không di chuyển được.

“Đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã có triệu chứng rồi thì chỉ có bị nặng thêm chứ không giảm đi. Biểu hiện của họ rất rõ ràng, lúc đầu họ có thể đi cầu thang 4-5 tầng mới cảm thấy khó thở, tuy nhiên khi bệnh nặng hơn thì chỉ cần họ đi 2-3 tầng đã khó thở rồi, thậm  bí có người đi ngang cũng cảm thấy khó thở, mệt” - ông Châu cho hay.

Ông Châu cũng cho biết thêm, đây cũng là căn bệnh gây nhiều tốn kém cho bệnh nhân bởi chi phí điều trị cao hơn nhiều so với bệnh hen, lao, viêm phổi...  Bệnh cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trung bình một đợt điều trị của người mắc bệnh này khi nhập viện mất khoảng 7-8 triệu đồng cho chi phí trực tiếp liên quan đến thuốc, xét nghiệm…Bên cạnh đó, nếu tính cả chi phí điều trị gián tiếp, chi phí điều trị ngoại trú cho bệnh nhân thì số tiền sẽ hơn thế nhiều lần.

Hậu quả là người bệnh mất sức lao động, thậm chí không thể tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, người đã mắc bệnh này sẽ dễ dẫn đến các biến chứng bệnh phổi khác như viêm phổi, tràn khí màng phổi, u phổi và khiến nhiều bệnh khác nặng thêm như suy tim…

Giáo sư Châu phân tích, dấu hiệu đầu tiên mà bệnh nhân có thể tự nhận biết bệnh này là các dấu hiệu như ho, khạc đàm vào buổi sáng. Ở độ tuổi 40, triệu chứng khó thở và khạc ra đờm kinh niên, đôi lúc khò khè sẽ xuất hiện. Sau đó người bệnh sẽ xuất hiện những đợt ho nặng hơn, khó thở, hụt hơi.

Tuy nhiên, người hút thuốc lá nhiều thường chủ quan cho rằng ho khạc là do hút thuốc lá mà không nghĩ rằng mình bị bệnh.

Vì vậy, để phòng bệnh thì người dân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đi điều trị.

Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau khi đã chẩn đoán bệnh các được bác sỹ sẽ có cách điều trị phù hợp. Tuy nhiên, người bệnh cần bỏ thuốc lá, giữ không khí trong nhà sách sẽ, thoáng mát. Đồng thời tập luyện, giữ gìn thân thể khỏe mạnh./.

Phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể phục hồi hoàn toàn gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi làm bệnh nhân khó thở.

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hơn 3 triệu người tử vong mỗi năm.
Đức Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục