Tập trung gỡ khó ở các dự án xây dựng giao thông

Trước tình trạng có nhiều dự án giao thông chậm tiến độ vì nhiều "rào cản," năm nay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung các giải pháp gỡ khó.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, bên cạnh nhiều dự án xây dựng giao thông đã về đích đúng hẹn, chất lượng đảm bảo thì hiện tại vẫn còn một số dự án giao thông, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, vẫn bị vướng “rào cản” về chậm trễ khâu giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, nhà đầu tư yếu kém.

[Nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn bị “vướng”]

Còn khiếm khuyết về chất lượng

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, nhờ tăng cường chỉ đạo điều hành, công tác đầu tư, xây dựng đạt kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều công trình, dự án tiến độ đạt và vượt kế hoạch (đường vành đai 3 giai đoạn 2 Thành phố Hà Nội, đường cao tốc Giẽ-Ninh Bình, Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải (gói thầu số 1), Cầu Nhật Tân, Cầu Bến Thủy II, cầu Rạch Chiếc, các cầu vượt nhẹ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không Phú Quốc).

Các dự án: Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, Dự án mở rộng Quốc lộ 51 đã từng bước khắc phục tình trạng chậm tiến độ.

“Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của bộ về kế hoạch thực hiện “Năm chất lượng công trình giao thông 2012,” ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định.

Theo Thứ trưởng Đông, một số dự án giao thông còn có khiếm khuyết về chất lượng đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội như dự án mở rộng Quốc lộ 51, một số gói thầu ở dự án đường nối Thị xã Vị Thanh với thành phố Cần Thơ, dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình xuất hiện hư hỏng tại các vị trí mặt đường quá độ, đang theo dõi lún….

Lý giải cho thực tế trên, Thứ trưởng Đông cho rằng, đề xảy ra tình trạng trên là do nhiều yếu tố, nguyên nhân mà cụ thể là một số chủ đầu tư (Ban Quản lý dư án) còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nên chưa đáp ứng được yêu cầu với những dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, công tác quản lý chất lượng hoàn toàn phụ thuộc vào tư vấn giám sát trong khi tổ chức này còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh.

Chứng minh cho điều này, Thứ trưởng Đông đưa ra dẫn chứng, ở dự án Quốc lộ 3 mới: Hà Nội-Thái Nguyên, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng… một số ban quản lý dư án chưa cương quyết xử lý các nhà thầu thực hiện chậm tiến độ.

Thậm chí, chủ đầu tư còn lấn sâu hoặc làm thay chức năng của tư vấn giám sát, làm cho các quyết định không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật, can thiệp trong việc sử dụng vật liệu trong thi công thiên về tiến độ, giá thành mà không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, công tác tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế chưa thể hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình, chưa kiểm soát tốt chất lượng công trình trong quá trình thi công.

Dẫn chứng cho điều này, công ty tư vấn QCI tại dự án đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình, dự án mở rộng Quốc lộ 51 có đến 15 đơn vị tư vấn giám sát nhưng lại để xảy ra nhiều vi phạm về chất lượng…

Các dự án như dự án đường Hồ Chí Minh, cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình… sử dụng tư vấn giám sát nước ngoài thì số lượng chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 10%) chủ yếu là các chức danh trưởng tư vấn giám sát, số còn lại là người Việt Nam với chất lượng, trình độ còn hạn chế.

Gắn trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý dự án

Một trong những nội dung quan trọng để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình của Bộ Giao thông Vận tải là đánh giá các chủ thể tham gia đầu tư, xây dựng công trình giao thông từ chủ đầu tư đến các ban quản lý dự án, nhà thầu.

Theo Thứ trưởng Đông, các dự án chậm tiến độ là do trong giai đoạn hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không đủ năng lực theo cam kết, buộc phải xử lý cắt giảm, điều chuyển khối lượng.

Đặc biệt, ở một số dự án BOT, BT triển khai trậm do nhà đầu tư không đáp ứng được tiến độ huy động vốn.

“Bên cạnh đó, một số dự án nhà thầu không huy động nhân lực, thiết bị thi công theo đúng cam kết dẫn đến tiến độ thi công chậm trễ, chưa quan tâm, chú trọng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, đôn đốc tiến độ,”  thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đông đã đưa ra ví dụ cụ thể như nhà thầu Keangnam tại các gói thầu A4, A5 dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhà thầu khi công gói thầu PK1C trên Quốc lộ 3 Hà Nội-Thái Nguyên…

Ngoài ra, Thứ trưởng Đông cũng chỉ ra bất cập đối với các công trình hiện nay mỗi khi gặp các vấn đề khó khăn thì đùn đẩy trách nhiệm cho bộ, cho các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết. Điều này đã dẫn đến phải điều chỉnh dự án, tiến độ, hợp đồng, cùng với sự trượt giá dẫn đến vốn đầu tư dự án tăng.

Còn theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án này có thể đã hoàn thành hết trong năm 2012 nhưng do thời tiết trời mưa (ở Tây Nguyên mãi đến tháng 11 mới tạnh mưa), vốn ra muộn nhưng lại thiếu nhiều, mặt bằng vẫn còn bị vướng dẫn đến dự án chậm tiến độ.

Đề cập đến chuyện thời tiết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: "Chuyện mưa bão thì đương nhiên, cái quan trọng là ban quản lý phải lo cho khỏi "mưa" ở chính trong ban quản lý ấy, để không ảnh hưởng đến công việc. Nếu chủ động biết thời tiết rồi thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được."

Bổ sung thêm về tiến độ chậm, Bộ trưởng Thăng cho rằng, chất lượng công trình làm không tốt nên không được nhận. Thứ nữa, không thể bàn giao một hai cây số được. Ban quản lý phải tập trung xử lý dứt điểm, không thể bàn giao xôi đỗ như thế được. Làm vậy vừa mất an toàn giao thông mà công trình lại không đảm bảo;....

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Bộ về tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, Bộ sẽ gắn trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, thực hiện dự án.

Trong năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý, đảm bảo chất lượng công trình giao thông đối với cơ quan tham mưu của bộ, chủ đầu tư và ban quản lý dự án.

Trước đó Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết sẽ hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách, kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, cũng như việc phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng./.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục