"Hóa giải" hoài nghi về tính khả thi khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đem đến nhiều quyền lợi tốt hơn cho người lao động, trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng được quy định cụ thể hơn.
Chi trả lương hưu qua bưu điện. (Ảnh: TTXVN)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều quyền lợi tốt hơn cho người lao động; trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, các cơ quan quản lý được quy định cụ thể và đầy đủ hơn. Những quy định, chính sách mới sẽ là nền tảng cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến hoài nghi về tính khả thi trong thực tế của một số điều trong dự thảo đạo luật này. Phóng viên Vietnam+ đã trao đổi với Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đơn vị chịu trách nhiệm thẩm tra dự luật này trước khi trình Quốc hội về những thắc mắc xoay quanh dự thảo luật này.

Hỗ trợ lao động nông nghiệp đóng bảo hiểm xã hội

- Thưa ông, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tập trung nhiều vào việc mở rộng đối tượng, trong đó, việc đưa đối tượng lao động có hợp đồng từ một tháng đến ba tháng vào tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng không khả thi, ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của vấn đề này. Thực tế, ngay cả ở khu vực có quan hệ lao động cũng mới chỉ có 10,8 triệu lao động trong khoảng 15-16 triệu lao động có hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vẫn còn có tới 4-5 triệu người trốn đóng bảo hiểm xã hội.  Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp do các cơ quan quản lý nắm được rất khác nhau, không cơ quan nào nắm được có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng lao động, có tất cả bao nhiêu lao động tham gia sản xuất kinh doanh, vì vậy việc bổ sung thêm đối tượng lao động có hợp đồng từ một tháng đến ba tháng rất khó khăn.

Tất nhiên khi chúng ta nhìn vào những khó khăn do quá trình quản lý hiện nay sẽ thấy điều này không khả thi, nhưng nếu có nhà nước hỗ trợ và quản lý chặt chẽ chắc chắn vẫn sẽ thực hiện được. Việc bổ sung đối tượng này không thể thực hiện ngay được nhưng sẽ đi theo lộ trình từng bước.

Trong quá trình cải cách thủ tục, chúng ta sẽ tiến đến cấp mã định danh hay mã an sinh xã hội của từng người. Mã định danh này sẽ gồm các tài khoản cá nhân, trong đó có tài khoản bảo hiểm xã hội. Người lao động sẽ dễ dàng hoàn tất các thủ tục đóng hưởng bảo hiểm xã hội khi hoàn thiện hệ thống cấp mã định danh này. Những lo ngại về quản lý bảo hiểm xã hội cho đối tượng có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng sẽ được khắc phục.

Vấn đề chúng ta đặt ra là, nếu không tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thì lực lượng lao động hiện nay khi đến tuổi về hưu sống bằng cái gì, liệu có phải lại chính bằng ngân sách nhà nước hỗ trợ hay không?

- Như vậy, sau đối tượng lao động có hợp đồng từ một đến ba tháng có phải sẽ là những chính sách mới khuyến khích lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?

Chúng ta đang phấn đấu chuyển dịch lao động nông nghiệp chỉ còn 30%, lao động dịch chuyển dần vào khuc vực công nghiệp, dịch vụ, đẩy nhanh lao động có quan hệ lao động. Chính vì vậy, nhà nước sẽ phải tính toán phương án hỗ trợ để tăng số lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.

Chẳng hạn như Trung Quốc, người lao động khó khăn chưa thể tham gia bảo hiểm xã hội, nhà nước có thể hỗ trợ năm đầu tiên 100%, năm thứ hai giảm xuống còn 80%, năm thứ ba xuống còn 50%, năm thứ tư chỉ còn 20% và sau đó rút ra để người lao động tự đóng. Riêng đối tượng cực kỳ khó khăn thì nhà nước đóng cho toàn bộ. 

Để đạt được mục tiêu 29 triệu lao động trên 58 triệu lao động của cả nước tham gia bảo hiểm xã hội thì chắc chắn nhà nước sẽ phải hỗ trợ lao động nông nghiệp có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm xã hội. Chúng ta sẽ phải phân loại đối tượng, tính toán theo cách thức, từng bước hỗ trợ.

Doanh nghiệp tìm hiểu giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập từ 2018

- Vấn đề điều chỉnh mức đóng hưởng bảo hiểm xã hội theo hướng đóng dựa trên tổng thu nhập cũng đang khiến nhiều người e ngại sẽ khó áp dụng vào thực tế, ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

Về cơ bản, muốn lương hưu đáp ứng được đời sống cho người lao động khi hết tuổi lao động phải đảm bảo cân bằng mức đóng hưởng, có đóng cao thì mới hưởng cao được. Theo quy định điều 90, 91 của bộ Luật Lao động, tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội gồm tiền lương, phụ cấp có tính chất lương và các khoản khác được ghi trên hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương tối thiểu chính phủ quy định, chỉ từ 1,9 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng/tháng tùy theo từng khu vực hoặc tăng 5-7% nhưng không đáng kể. Nếu cứ với mức lương đóng bảo hiểm xã hội như vậy, người lao động khi về hưu sẽ rất khó đảm bảo cuộc sống bằng mức lương hưu tương ứng được nhận.

Để giải quyết bất hợp lý trong thời gian qua do tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, từ giai đoạn luật có hiệu lực đến hết năm 2017, người lao động và doanh nghiệp tiếp dục duy trì đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương, phụ cấp lương ghi trên hợp đồng. Tùy vào tình hình các doanh nghiệp, từ năm 2018 hoặc năm 2020 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ phải là thu nhập thực tế của người lao động theo khoản 2, điều 89 của dự thảo luật.

- Liên quan đến cách tính lương hưu, dự thảo luật cũng điều chỉnh cách tính lương hưu của công chức, viên chức nhà nước từ năm 2015 khiến nhiều người lao động lo lắng, ông có thể cho biết thêm về việc điều chỉnh này?

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, lương hưu của cán bộ, viên chức, công chức thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu sẽ phải tính là bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đối với người lao động khu vực ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, cách tính lương hưu này sẽ chỉ áp dụng cho những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, còn đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội trước đó sẽ vẫn tính theo công thức cũ.

- Trong thời gian qua, sự thiếu minh bạch về quá trình đóng bảo hiểm xã hội đã khiến không ít người lao động bị thiệt thòi, xin ông cho biết, nhược điểm này sẽ được khắc phục thế nào trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi?

Khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực thi hành, luật quy định rõ, trong thời gian định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo kết quả thu nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động biết được quá trình. Trong trường hợp chủ sử dụng lao động bỏ trốn, người lao động có thể tự cầm sổ đi làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Trong thời gian tới, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ ưu tiên đầu tư cho công nghệ thông tin, để đảm bảo minh bạch quá trình đóng bảo hiểm xã hội, lộ trình cải cách này được thực hiện càng sớm càng tốt.

- Xin cảm ơn ông!/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục