Khắc khoải mơ trung thu

Khắc khoải giấc mơ trung thu nơi bãi giữa sông Hồng

Sau màu xanh tràn trề sức sống của  bờ bãi ngô khoai kia là nỗi khắc khoải, ước vọng một Trung thu trọn vẹn, đủ đầy của lũ trẻ.
Đường Hà Nội tấp nập. Những sắc màu Trung thu tràn ngập phố phường. Người ta tưng bừng mua sắm những thức quà, món đồ chơi cho đêm Rằm tháng Tám.

Còn bãi giữa sông Hồng thì vẫn vậy. Cảnh vật chẳng có gì đổi thay. Người lớn không hối hả với những dự định Trung thu cho con trẻ mà tất bật làm thêm, gồng mình tăng ca. Bọn trẻ chỉ còn biết đứng vịn cửa bè, hướng ánh mắt đầy khát khao về phía cầu Long Biên, nơi có dòng người xuôi ngược, tiếng còi xe ồn ã… và ước mơ về một Trung thu trọn vẹn, đủ đầy.

Trung thu: ngày… kiếm sống!

Xóm bãi giữa ẩn hiện thấp thoáng sau những bờ ngô xanh mướt dưới chân cầu Long Biên. Bao năm nay, cuộc sống nơi đây vẫn lặng lẽ chảy trôi giữa bốn bề sông nước với những nóc nhà nổi (trên thực tế là những chiếc bè được làm tạm bợ) dập dềnh, rách rưới và liêu xiêu trong gió sông Hồng.

Mặc cho trẻ em trên bờ rộn rã chuẩn bị Trung thu, lũ trẻ nơi đây dường như không buồn, cũng chẳng vui. Với chúng, Trung thu đến rồi Trung thu lại đi, không chờ đợi và hy vọng gì nhiều!

Trên bãi đất bẩn thỉu, ngập ngụa giấy rác, Hương mải miết phân loại đống phế liệu mới thu mua được và kể về những ký ức Trung thu, giọng ngán ngẩm: “Trung thu với chúng em thì cũng có khác gì ngày thường. Có vui chăng thì chỉ vì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với ngày thường nhờ việc bán hàng rong hay nhặt rác tại các khu vui chơi.”

Dù đã 11 tuổi nhưng Hương mới học lớp 3. Đôi chân trần lấm đất, người gầy khô, đen nhẻm vì nắng gió sông nước khiến cô bé như già dặn hơn so với tuổi đời.

Tay thoăn thoắt làm việc, cô bé kể: thời điểm này, phần lớn trẻ em nơi này đều đổ vào các khu phố trung tâm để bán hàng rong hoặc nhặt nhạnh ve chai. “Ngày thường, chúng em chỉ đi làm tới khoảng 8 giờ tối là về nhưng những ngày này, hôm nào cũng khoảng 11 giờ đêm chúng em mới về tới nhà. Mệt nhưng vẫn vui vì có thể kiếm thêm thu nhập,” Hương hào hứng nói.

Trung thu không còn là ngày Tết thiếu nhi để các em vui chơi mà từ lâu, đã trở thành dịp để lũ trẻ bãi giữa gồng mình tăng ca kiếm sống. “Càng gần Trung thu, người ta càng đi chơi nhiều thì càng có nhiều thứ bỏ đi cho mình nhặt nhạnh, mang về,” cô bé chia sẻ.

Quệt giọt mồ hôi lăn dài trên má, giọng Hương bỗng chùng xuống: “Nhiều khi, nhìn các bạn được bố mẹ sắm sửa, đưa đi chơi Trung thu, chúng em cũng thấy tủi thân và muốn khóc lắm chứ. Nhưng lâu dần cũng thành quen, nhà mình đâu có ở trên bờ,” giọng cô bé mặn đắng trong tiếng nấc nghẹn. Hương quay đi, giấu hai hàng lệ chỉ chực trào ra nơi khóe mắt.

Cũ người, mới ta…

Ngơi công việc, Hương dẫn chúng tôi tới chiếc bè nhà cô Nguyễn Thị Tâm, nơi đang có một nhóm trẻ con tụ tập nói cười rôm rả, hào hứng chia nhau một vài món đồ chơi mà các đội tình nguyện mới mang tới.

Chỉ tay về một chiếc đèn lồng được bọc kín trong túi nilon, treo nơi góc nhà, cậu bé Hòa nở nụ cười tươi rói kể: “Trung thu năm ngoái, em được các anh chị tình nguyện tặng cho chiếc đèn đó. Nó có đèn sáng và có thể phát ra nhạc đấy! Chơi qua Trung thu, mẹ em bảo cất đi cẩn thận để những năm sau có thể chơi tiếp.”

Dường như, đối với lũ trẻ ở nơi này, ước mơ Trung thu chỉ là để được nhận những phần quà của các tổ chức từ thiện; nếu may mắn hơn thì sẽ có được “phá cỗ,” ăn một bữa ngon hơn ngày thường.

Tiếp lời Hòa, cô nhóc Thu Linh phụng phịu: “Mọi năm, cách Trung thu cả tháng trời đã có các anh chị tình nguyện tới trao quà. Năm nay, các anh chị đến muộn hơn, làm chúng em mong mãi, tưởng rằng Trung thu này sẽ không có kẹo bánh, đồ chơi.”

Câu nói vô tư của cô bé mà trĩu nặng ưu tư, khiến người nghe không khỏi xót xa.

Em nào cũng tự hào khoe “đã đi ngắm hết phố cổ, thấy không khí chuẩn bị cho đêm hội trăng Rằm thật náo nhiệt,” để rồi lại tự ngậm ngùi động viên nhau: “Đồ chơi nào mà chẳng giống đồ chơi nào, đi ngắm cho vui, cho biết là được rồi.”

Nghẹn đắng trước những tâm sự của lũ trẻ, ông Nguyễn Trọng, trưởng xóm bãi giữa nói: “Với chúng, ước mơ thì cũng chỉ là ước mơ! Trong khi trẻ con trong phố được đi xem phim, xem xiếc dịp Trung thu thì chúng phải tranh thủ lăn lộn nhặt rác, bán hàng rong kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Có cháu, đêm đi gom ve chai, nhặt về được mấy món đồ chơi con nhà giàu bỏ dọc đường mà mừng rơn suốt cả tuần sau đó,” mắt rưng rưng, ông nhìn xa xăm.

Ông Trọng cho biết, mỗi năm, vào dịp này, có khoảng bốn, năm đội tình nguyện từ các trường đại học hoặc các tổ chức xã hội tới thăm, tặng quà Trung thu trẻ con xóm ngụ cư này.

“Ở nơi này, có những đứa trẻ từ khi sinh ra, số lần được mua quần áo mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thôi thì ‘cũ người, mới ta,’ cuộc sống sẽ dần ấm áp hơn,” ông Trọng bộc bạch, giọng ngậm ngùi.

Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch Trung thu cho các em ở xóm “ngụ cư,” đại diện lãnh đạo phường Phúc Xá cho biết: Hàng năm, vào dịp này, phường vẫn xuống phát bánh kẹo cho các em. Một vài năm trở lại đây, phường còn có kế hoạch đưa các em lên bờ cùng các thiếu nhi của Phúc Xá đón Trung thu tại Uỷ ban nhân dân phường.

Nhìn lũ trẻ quần áo xác xơ, cũ nhàu thơ thẩn nghịch cát nơi bãi sông vắng, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Bãi giữa sông Hồng, nơi chỉ cách trung tâm Thủ đô một vài cây số, tồn tại như một thế giới khác, tách mình khỏi những ồn ào, náo nhiệt của phố xá. Biệt lập và côi cút!

Sau màu xanh mướt, tràn trề sức sống của những bờ bãi ngô khoai kia là không ít những nỗi niềm trăn trở, là nỗi khắc khoải, ước vọng về một Trung thu trọn vẹn, đủ đầy của lũ trẻ nơi đây./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục