LHQ hối thúc đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ

UN Women đã kêu gọi cộng đồng thế giới khẩn cấp hành động để chấm dứt tình trạng ngược đãi, đảm bảo quyền bình đẳng giới.
Ngày 6/7, trong báo cáo đầu tiên sau một năm chính thức hoạt động, Tổ chức “Phụ nữ Liên hợp quốc” (UN Women) đã kêu gọi cộng đồng thế giới khẩn cấp hành động để chấm dứt tình trạng ngược đãi, cư xử bất công đối với phụ nữ, đảm bảo quyền bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu.

Báo cáo "Tiến bộ của phụ nữ trên thế giới trên con đường theo đuổi công lý" nhấn mạnh hàng chục triệu phụ nữ trên toàn cầu hàng ngày đang phải chịu đựng sự bất công, bạo lực và bất bình đẳng ngay trong gia đình, nơi làm việc và trong cộng đồng. Thế kỷ qua đã chứng kiến nhiều thay đổi trong các quyền pháp lý của phụ nữ trong đó nhiều nước đã mở rộng các quyền hợp pháp của phụ nữ.

Tuy nhiên, đối với hầu hết phụ nữ trên thế giới, các đạo luật trên chưa được chuyển đổi thành các quyền bình đẳng và công lý trên thực tế. Hiện đã có 139 nước cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giới trong Hiến pháp, nhưng phụ nữ ở các nước này vẫn tiếp tục phải chịu đựng những bất công, bất bình đẳng và bạo lực trong gia đình cũng như trong cộng đồng.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc chấp hành UN Women, bà Michelle Bachelet, nhấn mạnh trong khi phụ nữ chiếm hơn 50% dân số toàn cầu, những phát hiện của báo cáo "Tiến bộ của phụ nữ trên thế giới trên con đường theo đuổi công lý" thực sự là thông điệp mạnh mẽ nhất kêu gọi thế giới hành động để đem lại công lý cho phụ nữ. Bất công và bất bình đẳng khiến phụ nữ nghèo hơn và ít quyền hơn nam giới.

Mặc dù ngày nay quyền bầu cử của phụ nữ đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn cầu so với năm 1911 - thời điểm mới chỉ có hai nước trên thế giới công nhận quyền chính đáng này, nhưng nhu cầu cấp bách về quyền bình đẳng đầy đủ của phụ nữ đòi hỏi phụ nữ phải được thực sự bình đẳng với nam giới về pháp lý trong gia đình, nơi làm việc và trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo báo cáo của UN Women, trong khi bạo lực gia đình bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở 125 nước, hiện có 603 triệu phụ nữ vẫn đang sống ở những nước không coi bạo lực gia đình là tội phạm. Phụ nữ vẫn bị trả lương thấp hơn 30% so với nam giới ở nhiều nước và hơn 600 triệu phụ nữ, chiếm 53% tổng số phụ nữ đang làm việc vẫn phải làm các công việc dễ bị tổn thương, không được bảo vệ bởi luật lao động. Tình trạng thực thi luật pháp hiện hành không công bằng đối với phụ nữ. Ở đa số các nước trên thế giới, phụ nữ chiếm chưa đầy 30% số nghị sỹ Quốc hội.

Báo cáo kêu gọi các nước hủy bỏ những điều luật mang tính phân biệt đối với phụ nữ, tăng cường các dịch vụ đổi mới tư pháp, đưa phụ nữ lên tuyến đầu thực thi luật pháp như cảnh sát, nghị sỹ, quan tòa ... để tạo ra thay đổi về chất trong thực thi luật pháp đối với phụ nữ, đầu tư vào các hệ thống tư pháp đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ. Hiện nay, chỉ 5% trong tổng số 4,2 tỷ USD tài trợ cho cải cách tư pháp hàng năm trên toàn cầu được chi để thúc đẩy quyền pháp lý của phụ nữ.

Báo cáo "Tiến bộ của phụ nữ trên thế giới trên con đường theo đuổi công lý" nhấn mạnh thay đổi luật pháp và thực thi luật pháp thích đáng sẽ tạo nền tảng làm thay đổi thái độ xã hội và cải thiện vị thế của phụ nữ trong xã hội. Nhưng cải tổ luật pháp mới chỉ là mở đầu, điều quan trọng hơn là thực thi nghiêm chỉnh luật pháp và cung cấp sự trợ giúp tư pháp cho phụ nữ để biến luật pháp thành sự bình đẳng giới trong thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục