Giá điện sẽ tiếp tục ổn định đến hết quý I năm 2011

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết giá điện, than sẽ tiếp tục được giữ ổn định trong dịp Tết và quý I năm 2011.
Tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra ngày 17/12 ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết trong dịp Tết và quý I/2011 sẽ tiếp tục giữ ổn định giá điện, than.

Điều hành giá theo “hơi thở” của nền kinh tế

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, CPI cả năm 2010 sẽ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá tiêu dùng năm 2010 tăng mạnh là do những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế; mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nhưng kém hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao. Trong năm, với trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về giá trong cơ chế thị trường, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp quản lý điều hành tác động trực tiếp đến giá cả thị trường.

Đối với công tác bình ổn giá, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương, hỗ trợ vốn không lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dự trữ, đảm bảo cân đối cung cầu, góp phần giúp các doanh nghiệp bán hàng với giá bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10%.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý và bình ổn giá tại một số tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ... Đánh giá chung, các địa phương đã chú trọng lựa chọn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và có kế hoạch dự trữ hàng hóa, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Tại các tỉnh miền Trung, kết quả thanh tra cho thấy số lượng hàng thiết yếu được đảm bảo đủ cho nhu cầu của người dân. Các địa phương đã mở thêm nhiều phương thức bán hàng để đưa hàng về nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp đã chủ động ký hợp đồng với các vùng nguyên liệu để cấp hàng. Bộ Tài chính cũng đã hỗ trợ kinh phí kịp thời để khôi phục cây rau ngắn ngày cho một số vùng gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vận động người dân không vận chuyển lợn bán qua biên giới.

Ông Thỏa cho biết về cơ bản, hàng bình ổn đưa ra thị trường thời gian qua đã có tác dụng nhất định.

“Các giải pháp trên của Bộ Tài chính tuy mang tính "cổ điển" nhưng rất quan trọng đối với việc bình ổn giá. Bởi những giải pháp mới phụ thuộc vào từng thời điểm để có những chính sách phù hợp. Ví như năm ngoái ta phải kích cầu và nới lỏng tiền tệ sau đó lại tùy thuộc thực tế tình hình để tăng, giảm liều lượng.” ông Thỏa nhấn mạnh.

Tạo sự lan tỏa đồng bộ trong xã hội

Lường trước vào thời điểm cuối năm 2010 và quý I-2011, theo quy luật thường xảy ra biến động giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nên Bộ Tài chính xác định rõ mục tiêu còn lại những ngày cuối năm 2010 và những ngày đầu năm 2011 là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính là hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn kinh phí, ngân sách của địa phương để hỗ trợ đảm bảo nguồn hàng, kể cả việc bổ sung kinh phí cho các địa phương thực hiện dự trữ hàng hóa. Về chi tiêu ngân sách, Bộ Tài chính chỉ đạo yêu cầu cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết, đặc biệt là với các vụ việc tổng kết, liên hoan, hội nghị, mua sắm tài sản công trong dịp cuối năm; tiếp tục kiểm soát các phương án giá đối với các mặt hàng mà Nhà nước đặt hàng phục vụ đồng bào miền núi, đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Nhiều dự báo cho thấy, năm 2011 kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi khiến nhu cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng, tác động đến sự thay đổi giá cả. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường; tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doannh, thông qua việc xây dựng Luật giá thay cho Pháp lệnh giá; sửa đổi bổ sung các Nghị định của Chính phủ về thẩm định giá; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ; phấn đấu giảm chi phí sản xuất và giá thành; có chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách như: từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp; chuyển dần hình thức bao cấp cho cơ sở y tế; hỗ trợ về giá điện sinh hoạt, giá nước sạch đối với người nghèo, người có thu nhập thấp…, bảo đảm những đối tượng này được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu về học hành, khám chữa bệnh, nhà ở, điện, nước, đi lại./.

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục