Thử thách hiệp ước EU

Tây Ban Nha "thử thách" hiệp ước tài chính của EU

Chỉ vài giờ sau khi ký hiệp ước tài chính EU, Thủ tướng Tây Ban Nha thừa nhận nước này sẽ không đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách.
Tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU), kết thúc ngày 2/3, 25 quốc gia trong EU (trừ Anh và Cộng hòa Séc) đã chính thức ký "Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế" nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách.

Hiệp ước này cho phép đối phó với các cuộc khủng hoảng nợ công có thể xảy ra trong tương lai. Theo đó, các quốc gia phải tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý ngân sách, nếu như một quốc gia có mức thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 3% GDP sẽ tự động bị trừng phạt 0,1% GDP và số tiền này sẽ được chuyển vào Quỹ Ổn định tài chính châu Âu.

Thế nhưng, chỉ vài giờ sau khi ký kết hiệp ước mới trên, tại một cuộc họp báo ở Brussels, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã thừa nhận quốc gia này sẽ không đạt mục tiêu về thâm hụt ngân sách trong năm nay, với mức thâm hụt dự kiến sẽ lên tới 5,8% GDP thay vì mức 4,4% cam kết trước đó với EU và có nguy cơ phải đối mặt với sự trừng phạt của EU. Như vậy, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ buộc phải hoặc ủng hộ yêu cầu của Tây Ban Nha về mức cắt giảm thâm hụt ngân sách hoặc trừng phạt Madrid.

Về mục tiêu thâm hụt ngân sách mới, ông Rajoy cho biết "ông sẽ không tham vấn các nhà lãnh đạo châu Âu khác và sẽ thông báo cho EC vào tháng 4 tới". Ông Rajoy nói rằng ông vẫn có kế hoạch cắt giảm mức thâm hụt ngân sách xuống 3% vào năm 2013, sẽ đưa nước này trở lại ngưỡng mục tiêu thâm hụt theo quy định của EU và nhấn mạnh ông cam kết các biện pháp khắc khổ vì đây là cách tốt nhất để Tây Ban Nha tuân thủ các quy định của EU.

Sự thừa nhận của ông Rajoy không khiến nhiều người ngạc nhiên vì Tây Ban Nha cũng đã không đạt được mục tiêu thâm hụt của năm ngoái là 6% khi tỷ lệ này lên tới 8,5%. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, trường hợp của Tây Ban Nha sẽ cho thấy mức độ nghiêm khắc của các quan chức châu Âu đối với việc bắt buộc phải giảm nợ trong suy thoái.

Ông Amadeu Altafai Tardio, một người phát ngôn của EC, cảnh báo Madrid, hiện có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 20% và ngành ngân hàng ốm yếu, có thể phải chịu sức ép thị trường mới nếu không kìm hãm được mức thâm hụt ngân sách của mình. Ông nhấn mạnh EC vẫn muốn Mađrít cung cấp chi tiết về nguyên nhân khiến mức thâm hụt trong năm ngoái cao hơn nhiều so với dự kiến và nước này có kế hoạch gì đối với ngân sách trong năm nay trước cuối tháng này.

Trong khi đó, tại Madrid, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos đưa ra số liệu kinh tế ảm đạm với dự báo GDP của nước này sẽ giảm 1,7% trong năm nay, tồi tệ hơn mức giảm dự kiến 1% của EU và 1,5% của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha đưa ra cách đây chỉ vài tuần.

Còn theo Bộ Lao động, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 2 tăng 112.269, nâng tổng số người xin trợ cấp thất nghiệp lên khoảng 4,7 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha, sau khi lên tới mức cao nhất ở các nước công nghiệp hóa 22,85% vào cuối năm 2011, sẽ ở mức trung bình 24,3% trong năm nay./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục