Yêu cầu bức thiết

Tái cấu trúc nền kinh tế là một yêu cầu bức thiết

Các chuyên gia kinh tế nhận định tái cấu trúc nền kinh tế là yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo.
Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế một lần nữa được đặt ra như là yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã có nhiều phân tích và giải pháp cho vấn đề này.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nền kinh tế nước nhà còn tiềm năng tăng trưởng có thể phát huy nếu như ổn định được kinh tế vĩ mô và có cải cách có hiệu lực.

Đề cập đến tái cơ cấu và cải cách kinh tế trong điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011-2015, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng hiện nay không thể tiếp tục kế hoạch 5 năm như đã thông qua với các mục tiêu tăng trưởng 8%/năm, công nghiệp hóa-hiện đại hóa với tốc độ cao. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015.

“Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh đầu tư công, công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, tinh giảm bộ máy nhà nước. Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa,” ông Doanh nhấn mạnh.

Theo tiến sỹ Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế), nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm trước mắt là ưu tiên về chất lượng tăng trưởng kinh tế; dồn mọi nỗ lực để tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo tiền đề cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn 15-20 năm sau.

Đặt câu hỏi “Vậy tái cấu trúc kinh tế nên bắt đầu từ đâu”, tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng nên bắt đầu từ thể chế bởi “thế chế là khâu đột phá chiến lược và cũng thể hiện mục tiêu chiến lược của công nghiệp hóa, nhưng thể chế đòi hỏi tính đồng bộ, quyết tâm chính trị và đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị.”

Nêu lên thực trạng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam với nhiều khó khăn, hạn chế về nhiều mặt, tiến sỹ Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng định hướng mục tiêu cho năm 2012 và tới năm 2015 nên tập trung vào việc ổn định và khôi phục lòng tin, xác lập mô hình tăng trưởng mới.

Ưu tiên ngắn hạn là phải kéo lạm phát xuống nhanh dưới 7% trong năm 2012 với các ưu tiên hành động về cải cách triệt để tiền lương khu vực nhà nước; ưu tiên chiến lược về tái cơ cấu hệ thống ngân sách, hệ thống ngân hàng, phân cấp trung ương-địa phương, cải cách tập đoàn kinh tế nhà nước… Về dài hạn là tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế về tầm nhìn và quy hoạch chiến lược quốc gia.

Tiến sỹ Võ Đại Lược (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ) cũng kiến nghị cần tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, các tập đoàn kinh tế nhà nước và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Ông Lược khẳng định: “Cần phải tái cấu trúc lại toàn bộ các khu công nghiệp, khu kinh tế; rà soát lại hiện trạng và hoạt động của các khu công nghiệp-khu kinh tế; giảm quy mô các khu kinh tế cửa khẩu, đình chỉ ngay các khu công nghiệp-khu kinh tế hoạt động không hiệu quả vì quá lãng phí tiền đầu tư của nhà nước và xã hội, chiếm dụng đất sản xuất quá lớn. Công nghiệp hóa nhưng không thể có tình trạng các tỉnh đua nhau công nghiệp hóa bằng việc tỉnh nào cũng thành lập khu công nghiệp”./.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục