Phim nổi 3D đang "cứu nguy" cho điện ảnh

Sự trở lại của điện ảnh 3D năm 2009 khiến người ta đặt câu hỏi "liệu có phải các đại gia muốn dựng lên một cuộc đua công nghệ?".
Điện ảnh 3D không phải là mới, thậm chí, nó đã trải qua 2 lần cực thịnh rồi lụi tàn. Giờ đây, sự trở lại của điện ảnh 3D, với hàng loạt xuất phẩm ra mắt khán giả trong năm 2009, khiến người ta đặt câu hỏi như thế nào, tại sao và bao lâu.

Như thế nào?


“Quái vật sẽ bò ra từ màn ảnh, đến ngay cạnh bạn!” là cách mà các nhà quảng bá phim nổi 3D muốn gây ấn tượng với khán giả. Nhưng có lẽ, đó chỉ là cách để khêu gợi trí tò mò của thập niên 50 của thế kỷ 20. Giờ đây, khán giả khó bị lừa bởi một lời hứa hẹn thổi phồng như vậy.

Thật sự, điện ảnh 3 chiều phát triển mạnh mẽ trong thập niên 50 và 80 của thế kỷ trước, tương ứng với hai thời kỳ: thời kỳ ám ảnh bởi khoa học công nghệ và thời kỳ phim mì ăn liền.

Cảm hứng tạm thời của khán giả dành cho thể loại phim mang nặng tính hình thức này, có thể kiểm chứng bằng câu hỏi: “Bạn muốn gì? Một bộ phim thú vị, hay là, một con sư tử nhảy xổ vào bạn?”.

Rõ ràng, khán giả sau một hồi suy ngẫm, sẽ chọn “một bộ phim thú vị”. Đơn giản, vì họ còn muốn sống sót để tiếp tục đến rạp xem bộ phim khác. Thực ra, nói rằng phim nổi 3D của những thập niên trước có thể làm người xem tổn thọ, cũng không ngoa.

Khán giả vừa có thể bị nhức đầu bởi những trục trặc trong kỹ thuật phát hình, vừa có thể phải bực tức bởi chất lượng nội dung cũng như hình ảnh.

Thế rồi, đùng một cái, các ông lớn của Hollywood đua nhau làm phim nổi 3D. Steven Spielberg và Peter Jackson đang quay bộ phim “Tin Tin” theo công nghệ phim nổi 3D.

Pixar chỉnh sửa 2 tập “Toy Story” (Câu chuyện đồ chơi) để phát hành trong các rạp chiếu phim 3 chiều. “Avatar” – tác phẩm mới nhất, sẽ ra mắt năm nay, của tay chơi kỳ cựu - James Cameroon, cũng có ở định dạng nổi 3D.

Thậm chí, cũng chính James Cameroon, có kế hoạch chuyển siêu tác phẩm “Titanic” thành phim nổi 3D để chiếu trong năm 2011. Chuyện gì đang xảy ra? Trong lúc thảnh thơi, tiền túi rủng rỉnh, các đại gia Hollywood muốn dựng lên một cuộc đua công nghệ?

Tại sao?

Sự thật là tất cả nhận thức về không gian, đều do não bộ của ta quyết định. Các tín hiệu hình ảnh được truyền từ hai mắt đến não, để tạo nhận thức về chiều dài (1D), chiều rộng (2D) và chiều sâu (3D). Phim nổi 3D được quay bằng hai máy, sau đó, dùng hai máy chiếu cùng lúc, đặt cạnh nhau, để mô phỏng thông tin mà não nhận được từ hai mắt.

Để đánh lừa bộ não, người ta đặt bộ lọc phân cực ở trước máy chiếu, đồng thời, khán giả cũng đeo một cặp kính có hai tròng phân cực. Khi bộ não bị đánh lừa thì người xem cũng bị lừa nốt: họ sẽ “thấy” đồ vật và các hành động trên màn ảnh có đủ cả 3 chiều.

Phim nổi 3D những thập niên trước được “chở” trong những cuộn phim nhựa. Máy chiếu và tấm phim tương tác với nhau, khiến cho hình ảnh phát ra bị rung. Hai máy chiếu sinh ra hai hình ảnh rung bần bật, sẽ khiến mắt điều tiết không kịp và người xem sẽ có cảm giác chóng mặt, buồn nôn.

Ngày nay, phim nổi 3D được “chở” trong những ổ cứng vài trăm gigabytes. Máy chiếu không có cơ hội va chạm vật lí với cuộn phim, và như vậy cũng có nghĩa là cơ hội chóng mặt, buồn nôn sẽ giảm xuống đáng kể.

Một cải tiến nữa có thể khiến khán giả xem phim nổi 3D hài lòng, đó là tính mỹ thuật. Khoan nói đến chất lượng của phim, cải tiến mỹ thuật thấy rõ nhất, chính là ở cặp mắt kính được phát trước khi vào rạp chiếu. Nếu như trước đây, bạn lỡ “quên” tháo cặp mắt kính khi ra khỏi rạp, người ta sẽ phát hiện ra ngay, bởi bạn trông chẳng khác nào sinh vật ngoài hành tinh.

Bây giờ với công nghệ mới, cặp mắt kính trở nên thời trang hơn, "ngầu" hơn, và lỡ có “quên” thì cũng không ai nhòm ngó (trừ bảo vệ). Về mặt chất lượng nội dung, công nghệ phim nổi 3D ngày nay, mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị.

“Tôi nghĩ nếu bạn dùng đúng cách, kỹ thuật phim nổi 3D sẽ chỉ làm hay hơn câu chuyện của bạn” - nhà sản xuất Lisa Stewart của “Monster vs Aliens” (Quái vật ác chiến người hành tinh) thổ lộ.

Những người đứng đầu dự án đồ sộ của DreamWorks, đã từng hồi hộp và do dự trước quyết định sản xuất bộ phim dưới dạng phim nổi 3D.

“Lúc đầu, chúng tôi cho rằng câu chuyện mà chúng tôi mang đến khán giả, không đáng bị lôi thôi lếch thếch, chỉ bởi trò phim nổi” - đạo diễn Conrad Vernon thừa nhận.

“Thế nên, chúng tôi lao vào mày mò, tìm đủ mọi cách để áp dụng kỹ thuật phim nổi cho thật hiệu quả, hệt như khi chúng tôi dùng màu sắc hay âm thanh, để tạo dựng cảm xúc trên phim vậy”.

Monsters Vs Aliens” thu về 58 triệu USD trong tuần đầu công chiếu với 56% tiền vé là từ các rạp chiếu phim nổi. Điều này rõ ràng là một thành công cho phép thử phim nổi 3D với thị trường khán giả hiện tại.

Tiếp theo, dù trong thời điểm kinh tế khó khăn, các công ty phải thắt lưng buộc bụng, nhưng việc bỏ thêm 5-10% tổng kinh phí, để sản xuất phim nổi 3D, thật ra, có lợi thế riêng.

“25% lợi nhuận của chúng tôi bị mất vào tay những kẻ khai thác phim lậu” - Jeffery Katzenberg, người đứng đầu hãng DreamWorks, tâm sự. “90% số đó là từ việc đem máy quay vào rạp để quay lén” - Katzenberg tiếp tục.

“Thế nhưng, bạn không thể quay lén phim nổi 3D. Bạn phải tới rạp để xem”. Như vậy, ông chủ của DreamWorks có thể tự hào về giải pháp cứu nguy ngành điện ảnh - phim nổi 3D, cho đến khi các đầu nậu tìm được cách phát hành phim nổi 3D qua mạng Internet.

Bao lâu?

Jeffery Katzenberg rất hào hứng với phim nổi 3D. Ông quyết tâm bảo trợ cho công nghệ này, bằng cách phát hành tất cả các phim hoạt hình trong tương lai của DreamWorks, dưới dạng phim nổi 3D.

Những dự án nổi bật, có thể kể đến như "How to train your dragon" (Huấn luyện rồng như thế nào) và "Shrek Goes Fourth" (Quái vật da xanh phần 4).

Cộng đồng các nhà làm phim nổi 3D cũng được mở rộng. Jeffery Katzenberg, Steven Spielberg và James Cameron cùng nhau tổ chức diễn đàn để trao đổi công cụ và kinh nghiệm giữa các nhà làm phim có ý định phát triển hình thức phim nổi 3D.

Tuy nhiên, trước mắt, công nghệ phim nổi 3D còn nhiều trở ngại. Đầu tiên, quá trình phân cực khiến cho hình ảnh nổi 3D tối hơn cũng có nghĩa là chất lượng hình ảnh nhìn chung ít sắc sảo hơn so với khung hình hai chiều.

Mặt khác, những khán giả chỉ có thể xem bằng một mắt sẽ không thể có cảm giác quái vật “bò ra từ màn ảnh” như khán giả xem bằng hai mắt.

Cuối cùng, công nghệ phim nổi 3D sẽ khó có thể làm một bộ phim tâm lí xã hội nghiêm túc như “The Hours” (Giờ khắc) trở nên hay hơn.

Các nhà làm phim có thể chưa tận dụng hết sức mạnh của công nghệ phim nổi 3D. Khán giả có thể vì đó mà chưa thấy hết được tiềm năng của kỹ thuật đặc biệt này.

Như vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định phim nổi 3D là một cuộc cách mạng, như bước chuyển biến từ phim câm sang phim có lời thoại, hay từ phim đen trắng sang phim màu.

Tuy nhiên, giải pháp mà phim nổi mang đến, đều có lợi cho cả khán giả lẫn các nhà sản xuất phim. Dù sao, điện ảnh cần thỏa mãn khán giả và khi khán giả thỏa mãn thì các nhà sản xuất phim mới có tiền để làm phim tiếp./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục