Châu Á lo ngại lúa mỳ biến đổi gen phát hiện ở Mỹ

Nhiều nước trên thế giới bày tỏ quan ngại và Nhật Bản đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu lúa mỳ Mỹ do lo ngại lúa mỳ biến đổi gen.
Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại hoặc có phản ứng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hiện các cây lúa mỳ biến đổi gen mà họ chưa cho phép bán hoặc tiêu thụ tại một trang trại ở bang Oregon.

Nhật Bản đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu lúa mỳ trắng nhẹ của Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Toru Hisadome, một quan chức của Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản, nói kể từ ngày 30/5, Nhật Bản tạm ngừng “mua lúa mỳ trắng và lúa mỳ làm thức ăn cho gia súc” của Mỹ.

Trong khi đó, mạng tin Capital Press dẫn lời Phó Chủ tịch Hiệp hội Lúa mỳ Mỹ Steve Mercer cho biết Bộ Nông-lâm-nghiệp Nhật Bản đã quyết định không mua lúa mỳ trắng nhẹ trong phiên đấu giá thường kỳ vào ngày 29/5.

Theo Reuters, các nước nhập khẩu lúa mỳ hàng đầu ở châu Á khác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị xét nghiệm các sản phẩm lúa mỳ nhập khẩu và sẽ ngăn chặn bất cứ loại lúa mỳ biến đổi gen nào.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nước khác bắt đầu hủy bỏ hoặc giảm nhập khẩu lúa mỳ của Mỹ, nhất là các nước châu Á, đặt áp lực lên cầu lúa mỳ,” nhà phân tích đầu tư Joyce Liu của công ty Phillip Futures có trụ sở ở Singapore nói.

[Phát hiện lúa mỳ biến đổi gen ảnh hưởng xuất khẩu]


Trước đó, hôm 29/5, USDA cho biết họ đã phát hiện các cây lúa mỳ biến đổi gen chưa được cấp phép bán hoặc tiêu thụ mới nhú lên trên một cánh đồng, vốn trồng lúa mỳ vụ Đông trong năm 2012, của một trang trại ở bang Oregon.

Khi người chủ trang trại này xịt thuốc diệt cỏ glyphosate lên các cây lúa mỳ này, một số cây đã sống sót một cách đáng ngạc nhiên. Sau đó, một số mẫu cây đã được chuyển về Đại học bang Oregon và USDA để phân tích. Kết quả phân tích cho thấy đây là giống lúa mỳ do tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto phát triển một vài năm trước, có khả năng kháng thuốc diệt cỏ glyphosate.

Phát hiện mới nhất ở Mỹ làm người ta nhớ lại vụ nhiều nông dân ở châu Âu đã vô tình trồng hạt cải dầu biến đổi gen vào năm 2000. Năm 2006, nhiều vùng trồng lúa hạt dài ở Mỹ đã bị ô nhiễm bởi giống lúa thí nghiệm của Bayer CropScience, dẫn đến việc châu Âu và Nhật Bản phải cấm nhập khẩu sản phẩm này từ Mỹ.

Năm 2011, Bayer CropScience đã phải đền bù 750 triệu USD cho những người trồng lúa này.

Bình luận về vụ việc này, nhà khoa học Janet Cotter thuộc tổ chức Hòa bình xanh Quốc tế (Greenpeace International) nói: “Những công ty phát triển các giống lúa mỳ biến đổi gen đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần rằng lúa mỳ biến đổi gen sẽ không nhiễm bẩn giống lúa mỳ thông thường (hay lúa mỳ hữu cơ) bởi vì, chúng chủ yếu là tự thụ phấn. Bất chấp những cam kết suông đó, sự nhiễm bẩn của giống lúa biến đổi gen vẫn đang diễn ra.”

“Cách duy nhất để bảo vệ lương thực và môi trường của chúng ta là ngừng tung các loại cây trồng biến đổi gen là môi trường, trong đó có việc cấm trồng thử nghiệm trên các cánh đồng.”

Hiện tại, châu Á nhập khẩu hơn 40 triệu tấn lúa mỳ/năm, chiếm 1/3 lượng lúa mỳ giao dịch trên toàn cầu (từ 140 đến 150 triệu tấn/năm). Mỹ - nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới - và Australia, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 2 thế giới, là nhà cung cấp lúa mỳ chính cho khu vực này.

Do những quan ngại của người tiêu dùng đối với thực phẩm biến đổi gen, rất ít nước cho phép nhập khẩu các loại ngũ cốc như vậy để phục vụ cho tiêu dùng trực tiếp của con người.

Mặc dù các quan chức USDA cũng khẳng định chưa có dấu hiệu nào cho thấy lúa mỳ biến đổi gen đã xuất hiện trên thị trường thương mại nhưng vẫn có sự quan ngại về phản ứng của người tiêu dùng trước vụ việc này.

Reuters dẫn lời nhà phân tích Abah Ofon của ngân hàng Standard Chartered Bank ở Singapore nói: “Người tiêu dùng châu Á dễ bị kích động trước thông tin về thực phẩm biến đổi gen.” “Điều này đang làm gia tăng thêm quan ngại hiện nay về chất lượng và sự sẵn có của lúa mỳ trên toàn cầu.”

Trong khi đó, ông Wayne Bacon, Chủ tịch công ty kinh doanh ngũ cốc Hammersmith Marketing có trụ sở tại Pháp cho rằng người tiêu dùng sẽ có phản ứng tự nhiên đối với vụ việc này.

Các công ty thương mại của châu Âu cho rằng lúa mỳ được sản xuất ở các nước khu vực biển Đen và EU sẽ có lợi từ vụ việc này./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục