"Phát triển thủy điện ồ ạt gây tác hại"

"Phát triển thủy điện ồ ạt gây tác hại nghiêm trọng"

Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước phối hợp với Mạng lưới sông ngòi tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về thủy điện ở Việt Nam.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) phối hợp với Mạng lưới sông ngòi tại Việt Nam tổ chức tọa đàm nước-năng lượng-cuộc sống.

Tọa đàm nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về các vấn đề liên quan trong quá trình phát triển thủy điện ở Việt Nam và chia sẻ các kết quả nghiên cứu quy trình ra quyết định xây dựng thủy điện – bài học từ thực tiễn.

Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu, những chuyên gia tâm huyết với công tác bảo tồn tài nguyên nước và phát triển bền vững trong suốt 10 năm qua.

Bà Đào Việt Nga, Giám đốc Trung tâm WARECOD cho rằng, quy hoạch các dự án thủy điện cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư và người bị ảnh hưởng; có quy định về điều kiện chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư dự án thủy điện;

Tăng cường giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy điện; xây dựng cơ chế đảm bảo có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng dự án nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị ảnh hưởng được tính một cách đầy đủ ngay từ bước đầu; xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu của các bên liên quan; xem xét đến những chi phí và phương án thực hiện khi dừng nhà máy thủy điện.

Trong quá trình phát triển thủy điện cho tới nay, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tới 75.000 hộ dân phải di dời, thu hồi khoảng 133,931 ha đất các loại. Các hệ thống văn bản quy hoạch, hướng dẫn quy định đền bù, giải phóng mặt bằng đền bù tái định cư khá nhiều và nội dung phức tạp gây không ít khó khăn cho việc thực hiện.

Các quy định này cũng thường xuyên điều chỉnh, bổ sung. Do vậy cần phải nhất thể hóa các loại văn bản này. Chất lượng công trình các khu tái định cư còn hạn chế, chưa phù hợp với tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc; một số khu thiếu điện, thiếu nguồn nước, thiếu đất sản xuất, thiếu quỹ đất dự phòng, giao thông rất hạn chế do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư tại các dự án này còn thiếu trách nhiệm.

Ngoài ra trong khâu thiết kế kỹ thuật, không có cơ quan đảm bảo năng lực để đánh giá độc lập các thiết kế kỹ thuật này, như thủy điện Pleikrong (Kon Tum) thay đổi thiết kết 110MW-100MW không thông qua các cơ quan chức năng. Trong giai đoạn thi công, vận hành, có 2 vấn đề nổi cộm: Giảm thiểu tác động môi trường, vận hành liên hồ chứa... Nhưng do mức phạt thấp và thực thi pháp luật còn chưa nghiêm nên nhiều chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện các biện pháp này.

Bên cạnh đó, việc tăng dân số và phát triển nhiều đô thị, khiến giảm các đường dòng chảy tự nhiên, tăng áp lực dòng chảy qua đường tiêu nước chính, tăng khối lượng và vận tốc lũ, sinh ra những đỉnh lũ lớn hơn so với trước đây, diện ngập tăng lên khiến lượng lũ ngày một lớn hơn, tốc độ nhanh hơn và kép dài hơn.

Hiện Việt Nam có 2.360 sông có chiều dài trên 10km. Những năm 80 của thế kỷ 20 các dòng sông lớn của Việt Nam vẫn giữ được sinh thái tự nhiên. Tuy vậy, sự phát triển ồ ạt của các công trình thủy điện trên các hệ thống sông của Việt Nam đã và đang gây nên những tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái và phá vỡ sinh kế của cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục