BRICS hướng tới con đường phát triển, thịnh vượng

BRICS là cơ hội để các nước thành viên trong nhóm bắt đầu cuộc thảo luận về sự “khiếm khuyết” trong sự điều hành toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thủ đô New Delhi là một sự kiện được dư luận cũng như giới báo chí nước chủ nhà hết sức quan tâm. Họ quan tâm không chỉ về những vấn đề mà hội nghị sẽ bàn tới, mà quan tâm tới cả sự đi lại ở khu vực trung tâm thành phố, nơi thường ngày vốn đã quá đông đúc.

An ninh tại thủ đô New Delhi đã được thắt chặt. Một số con đường chính trong thành phố bị hạn chế giao thông để đảm bảo an ninh và thông thoáng cho xe chở các đoàn đại biểu tham dự hội nghị. Hệ thống bảo vệ an ninh nhiều tầng đã được triển khai dọc các tuyến đường gần trung tâm hội nghị và nơi ở của các quan chức BRICS.

Khoảng 5.000 cảnh sát được triển khai khắp các khách sạn và Taj Palace, nơi diễn ra hội nghị; 2.000 nhân viên cảnh sát khác chịu trách nhiệm điều hành giao thông và các hoạt động di chuyển của các nhân vật cấp cao.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từ Seoul trở về New Delhi để chuẩn bị đón tiếp các vị “thượng khách” tới dự hội nghị. Tối 28/3, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil tổ chức chiêu đãi các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên của Nhóm.

Ngoài Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh, các nhà lãnh đạo của bốn nước còn lại gồm Tổng thống Brazil Dilma Rosseff, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tham dự hội nghị, chính thức khai mạc ngày 29/3. Sau hội nghị sẽ có Diễn đàn thương mại BRICS, với sự tham dự của các bộ trưởng thương mại hoặc bộ trưởng kinh tế các nước nói trên.

Báo chí Ấn Độ cho rằng hội nghị cấp cao BRICS là cơ hội để các nước thành viên trong nhóm bắt đầu cuộc thảo luận về sự “khiếm khuyết” trong sự điều hành toàn cầu, vốn đã lỗi thời; tìm kiếm những con đường mới cho sự phát triển và thịnh vượng. Hội nghị tập trung bàn các biện pháp tăng cường thương mại và thúc đẩy thiết lập một cơ chế trao đổi giao dịch bằng các đồng nội tệ của năm nước trong nhóm để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đôla của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo sẽ xem xét lại lần cuối kế hoạch thành lập Ngân hàng phát triển chung của BRICS để cấp vốn cho các dự án hạ tầng và phát triển không chỉ tại các nước trong Nhóm mà cả ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc thành lập ngân hàng này không có nghĩa là BRICS sẽ từ bỏ các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển liên Mỹ.

Hiện chiếm gần 18% GDP, 40% dân số, 15% thương mại và 40% dự trữ ngoại tệ của toàn cầu, BRICS đang gánh vác vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí đăng trên tờ “The Hindu” của Ấn Độ ngày 28/3, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ví BRICS là “người bảo vệ của thế giới đang phát triển”. Ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết và quan hệ đối tác “cùng thắng”, đồng thời tiếp tục tăng cường sự phối hợp và hợp tác phát triển, kinh tế, tài chính toàn cầu và các vấn đề lớn khác./.

Minh Lý/New Delhi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục