Quản lý doanh nghiệp FDI: Tập trung vào hậu kiểm

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết việc quản lý doanh nghiệp FDI tới đây sẽ tập trung vào khâu hậu kiểm.
Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất cập, khi có hàng trăm doanh nghiệp FDI trốn thuế thông qua hình thức chuyển giá, phá sản do làm ăn yếu kém, xù lương công nhân và đặc biệt có tới 22 dự án FDI nợ ngân hàng mà không có khả năng trả nợ với số tiền gần 80 triệu USD.

Xung quanh thực trạng báo động này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA)-Bộ Kế hoạch Đầu tư về những giải pháp nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

-Xin Cục trưởng cho biết trách nhiệm của FIA trong những vụ sai phạm gần đây của các doanh nghiệp FDI?

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng: Thực hiện chủ trương phân cấp đầu tư, kể từ năm 2006 đến nay, FIA chỉ còn cấp phép đầu tư cho các dự án BOT do các Bộ triển khai hoặc là các dự án BOT liên quan tới hai bộ hoặc hai tỉnh; còn lại phân cấp hết cho ủy ban nhân dân các tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư theo đúng Luật Đầu tư sửa đổi năm 2006. Vì vậy, chức quản lý, giám sát các dự án đầu tư cũng được phân cấp cho các cơ quan chức năng địa phương.

Tuy nhiên, trước tình hình bất cập, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có công văn 2879 ngày 4/5/2010 và công văn 4302 ngày 4/7/2011 về chấn chỉnh đầu tư các dự án FDI lớn tại các địa phương. Tuy nhiên, kể từ khi hai công văn này phát đi, đến nay, FIA chưa nhận được một văn bản phản hồi nào từ địa phương. Vì thế, FIA cũng không thể làm gì hơn.

-Dư luận cho rằng: Việc thu hút FDI dường như đang chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng nên đã thu hút cả những doanh nghiệp không đủ năng lực. Quan điểm của FIA về vấn đề này ra sao?

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng: Phải khẳng định rằng, việc cấp phép đầu tư dựa trên tiêu chí pháp luật. Trước năm 2005, Luật Đầu tư có tiêu chí quan trọng là thẩm định dự án với 2 quy định cụ thể: Hiệu quả dự án và năng lực tài chính nhà đầu tư. Từ năm 2006 đến nay, Luật Đầu tư sửa đổi (áp dụng cho cả đầu tư trong nước và nước ngoài) đã bỏ đi tiêu chí rất quan trọng này nhằm tạo sự thông thoáng cho hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, với tiêu chí đơn giản hóa thủ tục đầu tư (đăng ký đầu tư trong vòng 15 ngày và thẩm tra đầu tư trong vòng 30 ngày, trường hợp đặc biệt là 45 ngày) nên với thời gian như vậy, cơ quan cấp phép đầu tư chưa đủ thời gian để thẩm tra kỹ càng năng lực tài chính của nhà đầu tư và việc cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ không thể kỹ càng ngay từ khâu tiền kiểm mà phải chuyển sang khâu hậu kiểm.

Theo đó, các cơ quan chức năng căn cứ vào tiến độ dự án được ghi rõ trong chứng nhận đầu tư để giám sát dự án. Nếu nhà đầu tư không triển khai dự án sau 12 tháng kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư hoặc chậm 12 tháng so với tiến độ đã đăng ký, chứng nhận đầu tư sẽ bị thu hồi. Việt Nam đã có căn cứ để quản lý dự án, vấn đề quan trọng còn lại nằm ở chính khâu thực thi mà cụ thể là sự tích cực, nghiêm túc nhà đầu tư, của cơ quan quản lý địa phương và cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cấp phép hơn 15.000 dự án FDI; trong đó chỉ có 13.000 dự án FDI còn hiệu lực; 1.900 dự án đã bị thu hồi và 200 dự án đã hết thời hạn.

-Cục trưởng nhận định thế nào về việc FDI thời gian qua chỉ mới tập trung nhiều vào các dự án bất động sản, sân gôn nên không mang lại giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp còn khiến cho tín dụng tăng trưởng nóng, gây bất lợi cho điều hành kinh tế vĩ mô?

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng: Nhìn vào số liệu đầu tư, vốn FDI đăng ký những năm trước đây rất cao và có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Năm 2010 và hai năm trước đây, vốn FDI đăng ký thường ở mức 20-21 tỷ USD/năm so với mức dự báo vốn FDI đăng ký cả năm 2011 sẽ chỉ còn 17 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân của năm 2011 này lại duy trì ở mức 11 tỷ USD, bằng với năm 2010 và hai năm trước đây.

Con số này cho thấy những biện pháp siết chặt để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy tác dụng nên các dự án FDI vốn ảo, các dự án lợi dụng sự thông thoáng quá mức của Luật Đầu tư Việt Nam để đăng ký đầu tư rồi bán lại dự án, các dự án chiếm đất...đã giảm rõ rệt. Những dự án được cấp phép đa số là các dự án mà nhà đầu tư mong muốn đầu tư thực sự. Mặt khác, nhìn vào cơ cấu đầu tư, khoảng hơn 49% dự án là đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo và đây là cơ cấu đầu tư bền vững bởi đã giảm rất nhiều các dự án vốn ảo, các dự án đầu tư vào bất động sản. 

-Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài; trong đó có cả văn bản mang ý nghĩa chế tài xử phạt các sai phạm nhưng dường như các văn bản này mới chỉ có tác dụng đôn đốc mà chưa tập trung xử lý mạnh tay với các hành vi gian lận, trốn thuế, xù nợ của doanh nghiệp FDI. Quan điểm của Cục trưởng về vấn đề này như thế nào?

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng: Đúng là Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật; trong đó cũng có những văn bản pháp luật mang ý nghĩa như chế tài xử phạt với các hành vi sai phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Pháp lệnh xử phạt trong hoạt động đầu tư nước ngoài hiện nay là Nghị định số 53 lại chỉ quy định mức phạt thông thường từ 2-3 triệu đồng/doanh nghiệp, đối đa là 50-70 triệu đồng/doanh nghiệp.

Mức phạt này quá thấp so với quy mô của một doanh nghiệp FDI có vốn đăng ký từ 10-100 triệu USD, chỉ có tính nhắc nhở, không có ý nghĩa răn đe. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự sửa Nghị định này vì vướng “trần” của pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

-Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư và FIA có đề xuất gì để việc thu hút FDI mang lại hiệu quả thực sự với nền kinh tế?

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng: Bộ Kế hoạch Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư dựa vào tiêu chí chặt chẽ và rõ ràng hơn để hoạt động đầu tư nước ngoài thực chất và chất lượng hơn. Bộ Kế hoạch Đầu tư dự kiến đưa lại tiêu chí xem xét năng lực tài chính của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đã thống nhất phải đưa lại tiêu chí năng lực tài chính nhà đầu tư với yêu cầu nhà đầu tư phải có ít nhất 30% vốn tự có trên tổng giá trị dự án. Đây là sự rút kinh nghiệm từ thực tiễn thời gian qua. Đồng thời, dự thảo Nghị định 108 cũng sẽ đưa lại tiêu chí thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để nâng pháp lệnh xử phạt hành chính lên thành luật nhằm tăng mức xử phạt các hành vi sai phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó mới có ý nghĩa răn đe.

Ngoài ra, việc thẩm tra để sàng lọc bớt các nhà đầu tư thiếu năng lực là cần thiết nhưng để quản lý các dự án đầu tư FDI hiệu quả, khâu hậu kiểm sau cấp phép là quan trọng nhất. Đặc biệt, các văn bản pháp luật sửa đổi trong thời gian tới cần theo hướng xử lý mạnh tay hơn với các hành vi sai phạm; đồng thời cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên ngành trong hoạt động giám sát các dự án đầu tư nước ngoài. Theo tôi, quy định hậu kiểm như vậy được ban hành sẽ có tác dụng răn đe, loại bỏ các nhà đầu tư có ý định trục lợi từ Luật Đầu tư quá thông thoáng của Việt Nam ; đồng thời giúp nguồn vốn FDI phát huy hiệu quả thực sự cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Về chiến lược thu hút FDI thời gian tới, FIA sẽ tập trung vào tiêu chí phát triển bền vững, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng, đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ. Về không gian đầu tư, quy hoạch các dự án đầu tư theo cụm, vùng, tạo liên kết thành chuỗi giá trị trong toàn quốc và toàn cầu để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vận chuyển và tạo sự hỗ trợ lẫn nhau về công nghệ, môi trường và lao động.

Đặc biệt, việc phân cấp đầu tư muốn hiệu quả phải đi kèm với các tiêu chí như: phải có quy hoạch đầu tư rõ ràng do cấp có thẩm quyền phê duyệt; luật pháp phải rõ ràng, đồng bộ; phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các cơ quan phân cấp; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời theo hai hướng: Nếu nhà đầu tư gặp khó khăn thực sự thì hỗ trợ ngay; nếu có biểu hiện sai phạm, không lành mạnh, vi phạm pháp luật thì phải kịp thời xử lý, thậm chí thu hồi ngay giấy phép đầu tư./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục