Chấm dứt nạn khai thác cát ven hai bờ sông Hương

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát gây sạt lở dọc hai bờ sông Hương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sạn gây sạt lở hai bờ sông Hương.


Ngày 9/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, trước tình hình khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương vẫn tiếp diễn, ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Hương Trà chỉ đạo giải tỏa ngay các bến bãi vận chuyển cát sạn, công trình xây dựng trái phép tại khu vực cầu Tuần, cũng như dọc hai bờ sông Hương; báo cáo kết quả thực hiện về ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/11/2010.

Trước đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quy định "Những ghe thuyền khai thác cát bằng thủ công ở lòng sông phải cách xa bờ từ 30-50m. Riêng ở sông Hương phải khai thác cách bờ 50m; cách chân các công trình đê kè, cầu, cống về hai phía thượng nguồn và hạ lưu mỗi bên ít nhất là 100m; cách chùa Thiên Mụ, Ðiện Hòn Chén, bến thuyền lăng Minh Mạng, Nhà máy nước Vạn Niên và các di tích lịch sử khác về hai phía thượng lưu và hạ lưu mỗi bên ít nhất là 500m."

Quy định như vậy, nhưng chỉ khi các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc truy quét thì tình hình khai thác cát sạn trái phép mới giảm, say đó tình hình đâu lại vào đấy. Biện pháp hiện nay của Thừa Thiên-Huế là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sạn trên sông Hương.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử phạt 13 vụ khai thác cát trái phép; hàng chục chủ thuyền bị tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính...

Tình trạng khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương không những là nguyên nhân gây sạt lở nặng bờ sông mà còn đe dọa khu vực khoanh vùng bảo vệ các di tích cố đô Huế, ảnh hưởng nghiêm trọng một số quần thể di tích đã được UNESCO công nhận.

Việc lập bến bãi và khai thác cát trong khu vực bảo vệ di tích lâu dài sẽ ảnh hưởng đến công trình kiến trúc và tình hình an ninh trật tự, đồng thời vi phạm đến Luật Di sản Văn hóa. Tại các điểm như Ðiện Hòn Chén, Văn Miếu, Võ Miếu, Chùa Thiên Mụ... tàu bè khai thác cát áp sát bờ thành đã làm hỏng chân của bờ kè di tích.

Các bãi đổ cát cũng đang lấn chiếm vào khu vực bảo vệ di tích. Tại khu di tích Văn Võ Thánh (xã Hương Hồ, Hương Trà), một số hộ dân cho thuê đất để làm bãi tập kết cát trong khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích.

Ở khu di tích điện Hòn Chén và Lăng Cao Hoàng, tình trạng khai thác cát không đúng quy định trong khu vực bảo vệ di tích diễn ra trên diện rộng và số lượng đò ngang tập trung khai thác ngày càng nhiều, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến du khách tham quan.

Sau đợt lũ cuối tháng 10/2010, dọc bờ sông Hương, đoạn qua xa Hương Thọ, huyện Hương Trà, xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nặng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sống ở đây. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do tình trạng khai thác cát, sạn ồ ạt trên sông Hương làm thay đổi dòng chảy và kết cấu bền vững đôi bờ sông Hương.../.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục