Vụ gỗ sưa Quảng Bình: Viện kiểm sát có để lọt tội?

Phóng viên TTXVN đã có buổi làm việc với ông Phạm Hồng Tâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quảng Bình về vụ để mất 3 cây sưa.
Đi tìm lời giải cho câu hỏi về vụ không xử lý hình sự mà chỉ đề xuất xử lý hành chính đối với vụ để mất 3 cây gỗ sưa ở Quảng Bình, phóng viên TTXVN đã có buổi làm việc với ông Phạm Hồng Tâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, cách giải thích của Viện trưởng Phạm Hồng Tâm đã cho thấy một kiểu tư duy tố tụng kỳ lạ.

Một kiểu tư duy tố tụng lạ ở Quảng Bình?

Tại buổi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Phạm Hồng Tâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã công nhận diễn biến việc đoàn kiểm tra 80 người do Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng làm đoàn trưởng vào Hung Trí, thuộc Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thì gặp hiện trường vụ khai thác gỗ sưa cũng như hầm chứa gỗ với khoảng 6-8 tấn.

[Chỉ bị xử lý hành chính dù để lọt vụ ba cây gỗ sưa]

Tuy nhiên ông đã không thực hiện bảo vệ mà bất ngờ ra lệnh rút quân về nên đã để mất số gỗ trị giá hàng trăm tỷ đồng vào tay “lâm tặc” và tạo nên hệ lụy cho việc trộm cắp, cướp bóc cũng như gây mất an ninh trật tự sau này tại các xã Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, huyện Bố Trạch như nội dung đã phản ánh trong tin đăng trước đó.

Nói về quyết định gây hậu quả nghiêm trọng trên, ông Phạm Hồng Tâm thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm thuộc về nhiều người nhưng ông Huyên chịu trách nhiệm chính.

Còn về chuyện tại sao không xử lý hình sự mà lại chỉ đề xuất xử lý hành chính đối với những cá nhân gây nên hậu quả nghiêm trọng trên, Viện trưởng Tâm không ngần ngại tiết lộ rằng do sau đó không thấy báo chí và dư luận ồn ào thêm nữa nên không muốn đào xới thêm vấn đề này vì sợ dính dáng đến nhiều người khác nữa.

Như vậy, với cách giải đáp thắc mắc kể trên của ông Hồng Tâm thì hai yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định không xử lý hình sự, chỉ xử lý hành chính là do “dư luận không ồn ào gì thêm” và sợ “dính dáng đến rất nhiều người.” Đây là một kiểu tư duy tố tụng dường như có vẻ rất lạ lùng và khó hiểu.

Với thẩm quyền Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, biết người có tội mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thì như thế nào? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với ông Tâm nhưng thật đáng tiếc là bằng cách này hay cách khác, ông đã không trả lời.

Lại thêm những bất ngờ trong tố tụng

Nếu việc ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thiếu trách nhiệm và làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì vụ cướp gỗ sưa do Nguyễn Văn Hiệu, nguyên công an viên xã Xuân Trạch, huyên Bố Trạch (Quảng Bình) thực hiện cũng nghiêm trọng không kém.

Điều đáng nói, nếu coi việc tố tụng trọng vụ Nguyễn Văn Huyên như kể ở trên gây bất ngờ thì chuyện xử lý trong vụ án Nguyễn Văn Hiệu cũng rất đáng ngạc nhiên.

Vụ cướp gỗ sưa của Hiệu được mô tả như sau, đêm 1/5/2012, Hiệu tụ tập khoảng 15 đối tượng ở trên địa bàn và các xã lân cận mang theo nhiều loại hung khí như dao, mã tấu, gậy gộc kéo vào khu vực đỉnh Hung Roi, thuộc Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để mật phục cướp gỗ sưa của các “lâm tặc” chuyển ra.

Đến trưa 2/5/2012, Phạm Văn Toàn, quê ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cùng một người khác trong đoàn gùi thuê gỗ sưa đang tìm đường ra thì bị nhóm của Hiệu khống chế, bắt giữ và trói lại bằng dây dù.

Tại đây, Hiệu đã sử dụng điện thoại của hai người này nhắn tin giả rằng “đường đã thông” để gọi các đối tượng gùi gỗ thuê còn lại đến, sau đó khống chế họ bằng dao, mã tấu và gậy gộc rồi thu giữ điện thoại, nhốt lại và cướp mất 9 gùi gỗ sưa.

Số gỗ sưa này, sau đó Hiệu bán được 4 tỷ đồng và chia nhau cùng hưởng…

[Quảng Bình: Bắt khẩn cấp 5 đối tượng cướp gỗ sưa]

Với những tình tiết như được nêu ở trên, Nguyễn Văn Hiệu và đồng bọn đã bị các cơ quan tố tụng ở tỉnh Quảng Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh cướp tài sản với mức hình phạt từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong vụ án này, 5 đối tượng liên quan đã bị bắt tạm giam, trong đó có Nguyễn Văn Hiệu.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình Phạm Hồng Tâm đã lần lượt phê chuẩn thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam chuyển sang cho tại ngoại cả 5 đối tượng trên.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Hồng Tâm không đề cập đến sự đúng luật trong việc thay đổi biện pháp ngăn chặn nói trên mà chỉ cho rằng hiện chưa thống nhất tội danh là cướp hay mua bán.

Ông cũng cho biết thêm: "Nếu tội cướp thì không có chuyện nhiều luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo đến thế. Họ bảo chắc chắn là không phải cướp mà là mua bán…" Nhưng ông cũng chưa đưa ra chứng cứ để chứng minh đó là mua bán chứ không phải là cướp.

Hiện nay, trước sự việc “đầu voi đuôi chuột” trong tố tụng vụ triệt hạ 3 cây gỗ sưa hàng trăm tỷ đồng ở Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, dư luận Quảng Bình cũng đang đặt ra câu hỏi: "có hay không chuyện chạy án trong vụ việc này???".

Về việc này luật sư Hoàng Thị Thu Hảo, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các trường hợp bị truy tố ở các khoản 4, điều 133 - Bộ luật Hình sự thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Vấn đề được tại ngoại hay không còn tùy thuộc vào nhận định của cơ quan có thẩm quyền về mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đây là vụ án nghiêm trọng và có nhiều vấn đề phức tạp. Thời gian qua ở Quảng Bình xảy ra không ít vụ trộm cướp gỗ sưa gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Thiết nghĩ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình cần hết sức thận trọng và khách quan khi ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam chuyển sang cho tại ngoại các đối tượng này để đảm bảo tính răn đe của pháp luật”.
Mạnh Thành (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục