2010: Tập trung kiềm chế nhập siêu và chỉ số CPI

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, từ nay đến cuối năm cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và khống chế CPI.
Tại buổi giao ban trực tuyến tháng 2 của Bộ Công Thương, ngày 8/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, trọng tâm trong tháng Ba và từ nay đến cuối năm 2010 sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và khống chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Công nghiệp phục hồi, nhập siêu tăng mạnh

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, thị trường trong nước diễn biến rất sôi động, hàng hóa sản xuất trong nước tiêu thụ mạnh.

Tính chung 2 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 114,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,1% (khu vực kinh tế Trung ương tăng 11,2%; khu vực kinh tế địa phương giảm 3,0%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 15,4%.

Các sản phẩm công nghiệp như điện tăng 19%, than sạch tăng 8,7%, khí đốt tăng 12,3%, thuốc lá tăng 13,3%, bia tăng 18,8%... đã góp phần rất lớn vào việc ổn định sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, do giá hàng hóa trên thị trường thế giới và sự tăng giá đầu vào của xăng, điện… trong thời gian đầu năm có thể gây áp lực lên tình hình xuất khẩu.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, riêng 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD. Nhưng thị trường thế giới biến động mạnh, giá bông tăng lên mức cao nhất (9.500 đồng - 11.000 đồng/kg) có thể tác động đến chỉ tiêu chung của ngành dệt may là 10,5 tỷ USD.

Về nhập khẩu, 2 tháng đầu năm đã đạt 10,66 tỷ USD, tăng 4,46% so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là tất cả các nhóm hàng cần nhập khẩu, cần kiểm soát và hạn chế đều có dấu hiệu tăng lên.

So với cùng kỳ năm ngoái, 2 tháng đầu năm 2010 mức nhập siêu có xu hướng “nhích lên” và đây là dấu hiệu ngược so với cùng kỳ năm trước.

Giải thích điều này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do giá bình quân của một số mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn tăng cao.

”Mức nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mức tăng trên 50%, trong khi sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam chưa đáp ứng đủ thì vấn đề này cần phải được xem xét lại,” Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên lưu ý.

Sẽ giải quyết vốn cho doanh nghiệp

Cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế thì nhu cầu đầu tư cho sản xuất cũng rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay hiện rất khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh, Hoàng Huy Tập nêu ý kiến, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vốn vay, dù không nhiều nhưng một số doanh nghiệp đã phải vay trong dân với lãi suất cao gấp 2,5 - 3 lần so với vay ngân hàng.

Đại diện của Sở Công thương Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết, doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất lên đến 20%, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, ngân hàng cần tháo gỡ các nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ trưởng đơn cử, trong tình hình hiện nay, mức lợi nhuận cả năm của nhiều doanh nghiệp  chỉ đạt 25% nhưng nếu lãi suất vay là 20% thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận và tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành về vấn đề vốn cho doanh nghiệp. Tại cuộc họp Thủ tướng làm việc với các tập đoàn, tổng công ty  lớn dự kiến diễn ra trong tuần này, vấn đề vốn sẽ được nêu lên như một nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết gấp.

Kiềm chế tăng giá và nhập siêu

Kinh tế năm 2010 tiếp tục đà tăng trưởng nhưng còn đối mặt với nhiều khó khăn, tình hình thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm trước.

Trong 2 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,35% so với tháng 12/2009. Tuy việc tăng chỉ số giá có tính quy luật nhưng đây là mức cao trong 10 năm trở lại đây.
 
Nhưng trước yêu cầu không để nhập siêu năm 2010 tăng quá 20% so với kim ngạch nhập khẩu, sẽ là áp lực rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm khống chế CPI năm 2010 chỉ tăng ở mức 7% như Nghị quyết của Quốc Hội đề ra.

Tại cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, việc kiềm chế nhập siêu không chỉ là vấn đề hoàn thành nhiệm vụ mà nó liên quan đến cân đối vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại hối, ngân hàng...

Trong khi đó, chênh lệch cán cân thương mại còn lớn, ở mức 16,9% dẫn đến mức nhập siêu quá lớn. Vì vậy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Thời gian tới cần tăng cường đầu tư, kiểm soát nhập siêu và đẩy mạnh xuất khẩu”.

Cụ thể, 10 tháng còn lại sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bù lại cho tháng 2 để đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm 2010 là 6,5%.

Trong công tác điều hành giá cả, theo Bộ trưởng, các Tập đoàn và Tổng Công ty cần phối hợp tốt với địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, tránh hiện tượng “tăng giá tâm lý” như thời gian qua.

“Việc tăng giá điện 6,8% theo đánh giá, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sản xuất, hiện tượng lợi dụng tăng giá điện bất hợp lý ở các nhà trọ sẽ phải xử lý nghiêm, cso thể áp dụng hình thức cao nhất là ngừng cung cấp điện,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục