Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ tới Triều Tiên

Ngày 9/2, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Lynn Pascoe đã tới Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm Triều Tiên 4 ngày.
Ngày 9/2, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề chính trị, ông Lynn Pascoe đã tới Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bốn ngày nhằm thuyết phục nước này trở lại bàn đàm phán hạt nhân sáu bên.

Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Liên hợp quốc tới Triều Tiên kể từ năm 2004.

Đặc phái viên Pascoe cho biết mục đích chuyến thăm là "tìm cách hợp tác tốt hơn" với Bình Nhưỡng. Nhân dịp này, ông sẽ chuyển tới giới lãnh đạo Triều Tiên một bức thư của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và thảo luận nhiều vấn đề trong đó có chương trình hạt nhân và hỗ trợ nhân đạo.

Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên, Kim Kye-gwan, đã tới Bắc Kinh, chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng bày tỏ mong muốn tăng cường đàm phán với Trung Quốc về việc nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa đổi lấy viện trợ. Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm này là dấu hiệu cho thấy đàm phán sáu bên sắp được nối lại.

Ông Cheong Seong-Chang, một quan chức cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc, đánh giá chuyến thăm của ông Kim Kye-gwan cho thấy đang có một sự đồng thuận giữa Trung Quốc và Triều Tiên về việc nối lại các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, ông Yang Moo-jin, giáo sư trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, cho rằng ông Kim Kye-gwan sẽ trình bày với các quan chức Trung Quốc kế hoạch cụ thể về phi hạt nhân hóa để đổi lại bằng các trợ giúp từ Bắc Kinh.

Các chuyến ngoại giao con thoi nói trên diễn ra ngay sau khi Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy có chuyến thăm Triều Tiên. Trong cuộc gặp với ông Vương Gia Thuỵ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã nhắc lại cam kết về phi hạt nhân hóa và bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm đưa tiến trình đàm phán sáu bên trở lại lộ trình.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley bình luận Triều Tiên "đã có những phát ngôn đúng đắn," song nhấn mạnh rằng những tuyên bố này phải được thể hiện bằng hành động là Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và thực hiện cam kết theo thỏa thuận giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ.

Trả lời phỏng vấn về chuyến thăm Triều Tiên của ông Vương Gia Thụy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên gần đây đang được làm dịu, tạo điều kiện nối lại bàn đàm phán sáu bên và phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Ông nhấn mạnh rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của nhiều bên, và chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tiếp tục nỗ lực và tiến hành các cuộc tiếp xúc, đối thoại, và thể hiện sự mềm dẻo nhằm tạo điều kiện cần thiết để nối lại cuộc đàm phán sáu bên.

Ông cũng xác nhận rằng đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Pascoe đã tới Bắc Kinh sáng 9/2 và trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì về tình hình bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề khác cùng quan tâm.

Năm 2009, Triều Tiên đã rời bàn đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên) nhằm phản đối một nghị quyết của Liên hợp quốc lên án vụ phóng gây tranh cãi của nước này.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã có những động thái hướng tới việc nối lại tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên bày tỏ quan điểm muốn các trừng phạt của Liên hợp quốc được dỡ bỏ và đàm phán một hiệp ước hòa bình với Mỹ trước khi trở lại bàn đàm phán hạt nhân.

Bình Nhưỡng lập luận rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc là lý do chính buộc họ phải xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục