Trang sức cổ "tái xuất"

Đồ trang sức ngàn năm tuổi ‘tái xuất” giữa Thủ đô

Khoảng 140 tài liệu và hiện vật quý hiếm trong bộ sưu tập trang sức cổ Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Khoảng 140 tài liệu, hiện vật quý hiếm trong bộ sưu tập trang sức cổ Việt Nam hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội). Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia sáng 30/8 cho hay, bộ sưu tập hiện vật này được giới thiệu theo các thời kỳ lịch sử từ thời tiền-sơ sử (thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn…) cho đến đầu thế kỷ 20. Qua đó, công chúng có thể thấy rõ tính kế thừa về mặt kỹ thuật chế tác đồ trang sức và sự phát triển của tư duy thẩm mỹ của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Các loại hình trang sức chủ yếu được trưng bày là dây chuyền, vòng tay, khuyên tai, trâm cài đầu, vật đeo hộ mệnh… được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: vỏ nhuyễn thể, xương, sừng động vật, thủy tinh, đá quý, đồng… Điểm nhấn của chuyên đề trưng bày “Trang sức cổ Việt Nam” là bộ sưu tập trang sức thời chúa Nguyễn (thế kỷ 18) và cung đình Nguyễn (thế kỷ 19-20). Nhiều loại trang sức độc đáo được làm bằng những chất liệu quý (như vàng, đá quý, ngà voi, đồi mồi…) lần đầu tiên được giới thiệu trong chương trình trưng bày này. Trao đổi với báo chí sáng 30/8, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay: “Tromg số gần 140 hiện vật được trưng bày, chỉ có một nhóm nhỏ (các loại mũ miện hoàng tộc) là vật phảm được phục chế, còn lại phần lớn là hiện vật gốc.” Tuy nhiên, “trong không gian trưng bày, các loại trang sức cổ thuộc giai đoạn các triều đại Lý, Trần, Lê chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với các loại trang sức thuộc các thời kỳ lịch sử khác. Điều này cho thấy ‘khoảng trống’ trong công tác sưu tầm các hiện vật lịch sử giai đoạn lịch sử này,” tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến bày tỏ. Mục đích của việc triển khai chuyên đề trưng bày “Trang sức cổ Việt Nam” là: Giới thiệu khái quát về chất liệu, kỹ thuật chế tác, ý nghĩa và giá trị sử dụng của các loại đồ trang sức Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.


Vòng tay chạm hình hoa mẫu đơn và chữ "Thọ" được làm bằng bạc (thuộc bộ sưu tập trang sức triều Nguyễn) được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Ảnh: BTLSQG)
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, trong lịch sử, bên cạnh mục đích làm đẹp, nhiều loại trang sức còn được coi là vật hộ mệnh, thể hiện quyền lực và biểu hiện sự cao quý của người sử dụng.” Ví dụ, chiếc trâm cài tóc bằng vàng có hình chim phượng ngậm đèn lồng (thuộc bộ sưu tập trang sức thời chúa Nguyễn-thế kỷ 18) là vật dụng của phụ nữ quý tộc. Bởi, theo quan niệm Á Đông, hình phượng tượng trưng cho đức hạnh, vẻ đẹp duyên dangs và sự thanh nhã của phụ nữ quý tộc. Không gian trưng bày “Trang sức cổ Việt Nam” sẽ mở cửa từ nay đến hết tháng 12./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục