Giá dầu phục hồi từ ngưỡng thấp nhất năm 2010

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/2, giá dầu đã hồi phục sau phiên mất giá lớn nhất phiên hôm trước kể từ tháng 7/2009 đến nay.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/2, giá dầu đã hồi phục sau phiên mất giá lớn nhất vào phiên hôm trước kể từ tháng 7/2009 đến nay, chủ yếu do động thái mua vào đồng euro của ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ nhằm giảm đà tăng của đồng USD.

Trước đó, vào đầu phiên, chỉ số USD - thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua do các nhà giao dịch lo ngại các vấn đề tài chính tại các nước Nam Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Tâm lý lo ngại cũng bao trùm khi các thị trường đang ngóng đợi số liệu về mức lương trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, được công bố vào cuối ngày, qua đó có thể cho thấy số người thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore vào chiều 5/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ kỳ hạn tháng 3/2010 đã tăng 24 xu lên 73,38 USD/thùng, so với mức thấp nhất 72,42 USD/thùng được xác lập vào phiên hôm trước. Giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn cũng tăng 8 xu lên 72,21 USD/thùng.

Clarence Chu, nhà giao dịch năng lượng tại Hudson Capital Energy ở Singapore nhận định: "Đồng USD đã yếu đi một chút so với hôm trước và thị trường hiện đang nhìn vào sự dẫn dắt của đồng USD. Các cuộc khủng hoảng tín dụng ở châu Âu, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ còn gây sức ép lên đồng euro cho tới khi nào những vấn đề này được giải quyết và niềm tin quay trở lại."

Trong phiên 5/2, sau sự can thiệp của ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, đồng euro đã tăng trở lại so với đồng franc Thụy Sĩ, sau khi trước đó đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng qua so với đồng tiền này và chạm mức thấp nhất trong hơn 8 tháng qua so với đồng USD.

Tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các nhà đầu tư cũng bán tháo cổ phiếu trong phiên 4/2 do lo ngại các vấn đề tài chính tại các thành viên ở Nam Âu sẽ lan rộng ra toàn khối eurozone.

Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi châu Âu phải có các biện pháp quyết liệt nhằm cắt giảm các khoản thâm hụt tài khóa khổng lồ trên toàn châu lục này và nói rằng, không một quốc gia nào có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay mà không phải trả giá.

Tính đến nay, giá dầu vẫn thấp hơn khoảng 50% so với mức đỉnh trên 147 USD/thùng được lập vào hồi tháng 7/2008, và đã giảm khoảng 11 USD so với mức cao nhất 15 tháng qua (84 USD/thùng) được lập vào ngày 11/1/2009./.

Thùy Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục