Ưu tiên áp dụng 258 thủ tục hành chính sau rà soát

258 thủ tục hành chính được “điểm mặt” từ những lĩnh vực thường gây nhiều bức xúc đã được chọn lọc để trình Chính phủ thông qua.
Chiều 1/6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010, thông báo về tiến độ thực hiện của Đề án 30, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (Tổ Đề án 30) của Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau khi hoàn tất giai đoạn 2 của Đề án, Tổ công tác đã chọn lọc được 258 thủ tục để trình Chính phủ thông qua.

Đây là những thủ tục được “điểm mặt” từ những lĩnh vực thường gây nhiều bức xúc trong đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân như: các thủ tục về trình tự thực hiện nghĩa vụ thuế, hải quan, công chứng, khám chữa bệnh, quản lý xây dựng.

Ông Phúc cho biết, sau khi trình Chính phủ và nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên Chính phủ, mới đây, Thủ tướng đã ký cho ban hành Nghị quyết ban hành những thủ tục này để làm cơ sở cho các Bộ, ngành liên quan chủ động đơn giản hóa những thủ tục trong phạm vi thẩm quyền.

Hiện Tổ công tác chuyên trách của của Thủ tướng Chính phủ cũng đang đang khẩn trương đăng tải 258 thủ tục này trên trang thông tin www.thutuchanhchinh.vn để lấy ý kiến người dân trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ liên tục đốc thúc để các Bộ hữu quan nhanh chóng hoàn thiện việc đơn giản hóa thủ tục theo phần việc của mình, báo cáo Tổ Công tác chuyên trách để xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

“Phấn đấu đến tháng 10 năm nay, loạt 258 thủ tục có ý nghĩa rất lớn về kinh tế-xã hội này sẽ được triển khai áp dụng trong thực tế, mở đầu cho việc đơn giản hóa, xem xét trên 5.000 thủ tục còn lại. Hiệu quả từ việc áp dụng 258 thủ tục hành chính này cũng sẽ tiết giảm chi phí ít nhất 5.700 tỷ đồng cho Nhà nước và người dân," ông Phúc khẳng định.

Liên quan đến những tình tiết còn gây tranh cãi xung quanh Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam mà Chính phủ vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng sẽ chủ trì phiên họp giữa các Bộ liên quan và Bộ Giao thông Vận tải để xem xét, giải quyết các vấn đề cụ thể của dự án này. Thủ tướng cũng sẽ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo đầy đủ hơn đến Quốc hội và có các giải thích chi tiết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, đây mới chỉ là dự án tổng thể, chưa xây dựng dự án thành phần nên những số liệu, hạng mục đầu tư chính thức của dự án chưa được xác lập.

Giải thích về tình trạng thiếu điện trầm trọng những ngày đầu hè vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: thời gian này, hầu hết các nguồn cung điện từ thủy điện đều bị cắt giảm nghiêm trọng do thời tiết thiếu mưa, nguồn nước xuống thấp, tiệm cận mức nước chết nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Ông Biên cũng nêu nghịch lý, mặc dù nguồn cung giảm nhưng nhu cầu sử dụng điện năm nay của cả nước lại tăng tới 22,77% so với năm ngoái nên đã gây nhiều khó khăn cho ngành điện.

Lý giải về công tác quản lý việc cắt điện, giảm tải thời gian qua đã xảy ra tình trạng một vài nơi điện bị cắt liên tục, gây bức xúc cho nhân dân, ông Biên cho biết, trước tình hình căng thẳng như hiện nay, Thủ tướng và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản điều hành tiết giảm điện, bởi đây là việc không thể tránh khỏi trong thực tế.

Tuy nhiên, thời gian qua, có xảy ra một số hiện tượng phụ tải tăng cao hoặc sự cố do đường dây, biến áp nên một số nơi đã bị cắt điện nhiều, như trường hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh phải cắt điện đến 23 giờ liên tục do sự cố biến áp.

"Ngành điện đang nỗ lực cố gắng và sẽ khắc phục việc cắt điện hợp lý hơn trong thời gian tới theo nguyên tắc luân phiên, công bằng, không phân biệt đối xử, không lặp đi lặp lại nhiều lần trên cùng một địa điểm," ông Biên khẳng định./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục