Vitamin D giúp phòng chống bệnh lao hiệu quả

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, vitamin D là thành phần không thể thiếu để "kích hoạt" các phản ứng của hệ miễn dịch đối với vi khuẩn lao.
Nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Mỹ khẳng định vitamin D rất cần thiết cho cơ thể trong việc ngăn ngừa và chữa trị bệnh lao.

Trong công trình đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine số ra ngày 12/10, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học California Los Angeles (Mỹ) và đồng nghiệp tại Khoa Da liễu trường Đại học Cologne của Đức nêu rõ vitamin D là thành phần không thể thiếu để "kích hoạt" các phản ứng của hệ miễn dịch đối với vi khuẩn lao.

Nghiên cứu này đã mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu phác đồ điều trị chứng bệnh về phổi này, hiện cướp đi sinh mạng của khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mỗi năm.

Lâu nay, giới khoa học nhất trí rằng vitamin D đóng vai trò quan trọng trong khả năng kháng vi khuẩn lao của cơ thể con người. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra vai trò quan trọng của vitamin D trong việc tạo ra phân tử có tên khoa học là "cathelicidin," giúp hệ miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn lao. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhấn mạnh loại vitamin này là thành phần không thể thiếu để "kích hoạt" các phản ứng miễn dịch.

Lượng vitamin D cao trong cơ thể có thể cải thiện đáng kể khả năng phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh truyền nhiễm như lao.

Loại vitamin này cần thiết cho các tế bào máu trắng còn được gọi là tế bào miễn dịch (T-cell) - một thành phần của máu, giúp cơ thể chống lại bệnh truyền nhiễm và các vật thể lạ trong máu.

Với vitamin D, khi bị virus tấn công, cơ thể con người có thể sản sinh ra một loại protein ngăn không cho virus phát triển.

Giới chuyên gia nêu rõ hiện nay việc điều trị bệnh lao trên thế giới gặp khá nhiều khó khăn do xuất hiện nhiều dạng kháng thuốc. Vì thế, nghiên cứu mới về vai trò của vitamin D này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong năm ngoái, trên toàn thế giới có 8,8 triệu người mắc bệnh lao, khoảng 25% số trường hợp mắc là tại châu Phi, 40% tại Ấn Độ và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục