Huyền thoại Vũng Rô

Hồ Đắc Thạnh - Người viết nên huyền thoại Vũng Rô

Vũng Rô gắn liền với ông Hồ Đắc Thạnh, người mở đường, thuyền trưởng 3 chuyến tàu đầu vận chuyển 200 tấn vũ khí cập bến an toàn.
Vũng Rô, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm trên tuyến đường huyền thoại của lịch sử quân sự Việt Nam và nhân loại - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tên Vũng Rô đã gắn liền với Trung tá Hồ Đắc Thạnh, người mở đường, trực tiếp làm thuyền trưởng 3 chuyến tàu đầu tiên vận chuyển 200 tấn vũ khí và 8 cán bộ cập bến an toàn.

Ông già nặng nghĩa tình đồng đội


Trong cơn mưa phùn đầu tháng 10 này, Trung tá Hồ Đắc Thạnh vừa tham dự chuyến đi về Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng thăm lại đơn vị cũ, những bến Đồ Sơn, Bãi Cháy, Bạch Đằng, nơi ông đã lên tàu vận chuyển vũ khí vào miền Trung và miền Nam. Nhưng chuyện đầu tiên ông nói không phải về chiến tranh, về những con tàu mà là về đồng đội.

Ông kể rành mạch về từng đồng đội, đồng chí và đời sống của họ hiện nay, như Lê Kim Tự, Trần Kim Hiền có đời sống vất vả, mắt đã mờ. Rồi ông khoe: “Tôi chuẩn bị phối hợp cùng Trung ương Đoàn thực hiện chương trình học bổng “Sức sống biển đảo” dành cho học sinh, sinh viên là con em của những chiến sỹ tàu không số năm xưa.”

Trung tá Hồ Đắc Thạnh đã giữ một nắm đất của một nữ chiến sỹ Vũng Rô trao cho ông suốt mấy chục năm trời từ đêm giao thừa Ất Tỵ 1965, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Ông vẫn nhớ như in ngày mà hai chiến sỹ do ông chỉ huy bị hy sinh trên bến Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là Thuyền phó Dương Văn Lộc, quê huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - người vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Thủy thủ trưởng Trần Nhợ, quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định...

Còn nhớ trong những đợt trao học bổng, giáo dục truyền thống cho học sinh… ông đều tham gia nhiệt tình. Bằng thực tế từng trải, ông tiếp thêm cho nhiều thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, yêu quê hương, biển đảo... Ông cũng đã vận động xây nhà tình nghĩa cho những đồng đội đã hy sinh hoặc đời sống khó khăn.

Những chuyến tàu huyền thoại

Hồ Đắc Thạnh, sinh năm 1934, tại phường 3, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình làm nghề đi biển. Năm 1962, khi ông đang học khóa Sỹ quan Hải quân thuộc Trường 45 Cục phòng thủ bờ bể, được chọn tham gia Đoàn 759 Đoàn tàu không số, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân.

Sau sự kiện tàu gỗ chở vũ khí vào Bình Định bị mắc cạn, địch phát hiện phải đốt tàu. Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định dùng tàu sắt để vận chuyển, chọn bến Vũng Rô làm bến mới và cử Hồ Đắc Thạnh, người Phú Yên, từng tham gia 7 chuyến tàu không số vào Nam làm thuyền trưởng tàu 41, đưa 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô.

Tàu xuất phát từ Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, trên hành trình, tàu nhiều lần bị tàu khu trục và máy bay địch áp sát, vờn lượn. Với phương châm không để lộ tuyến đường bí mật và bằng sự mưu trí, dũng cảm, tàu được ngụy trang không có sơ hở.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: “Trưa ngày 28/11/1964, khi tàu nằm ở vĩ tuyến ngang với vịnh Vũng Rô thuộc hải phận quốc tế, tôi cho tàu chạy thẳng vào vịnh. Tối, tàu vào đến vịnh thì cảm xúc quê hương cứ trào dâng rất khó diễn tả; không có người đón, tôi cho 2 thủy thủ đi thuyền vào Bãi Lau thấy người của ta đang lùi sắn ăn vì thiếu lương thực. Ai nấy đều vui mừng, chọn Bãi Chùa để bốc dỡ vũ khí. Nhưng vì khối lượng lớn nên không kịp, tôi quyết định cho tàu ngụy trang trước 4 giờ sáng để đến tối lại bốc dỡ tiếp. Đêm hôm sau tàu vào Bãi Chính, đến 3 giờ sáng toàn bộ 63 tấn vũ khí được giao cho quân giải phóng Phú Yên.”

Kinh nghiệm của người dân biển cùng với nhiều lần cập tàu vào vách núi ở Quảng Ninh, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh góp phần làm nên huyền tích về sự thoắt ẩn, thoắt hiện như những con tàu ma của Tàu không số qua cách ngụy trang tàu. Ông cho cặp tàu sát với vách đá, dùng lưới pháo dăng từ núi xuống tàu và ngụy trang lên trên. Núi và tàu tạo thành một khối thống nhất nên địch không tài nào phát hiện nổi.

Chuyến thứ 2 vào đến vịnh Vũng Rô ngày 25/12/1964. Ngoài vũ khí cùng 4 cán bộ chi viện, tàu còn mang theo 3 tấn gạo cho đơn vị bến đang thiếu lương thực. Không thể kể hết tình cảm vui mừng của quân, dân đơn vị bến Vũng Rô khi ấy. Chuyến này cũng phải ngụy trang ở lại một ngày để bốc dỡ theo cách cũ, tàu ra vào vịnh Vũng Rô an toàn tuyệt đối.

Ngay khi về đến Hải Phòng, tàu 41 lại được lệnh đi chuyến thứ 3 để vào đến Vũng Rô đúng giao thừa Ất Tỵ 1965, nhằm tranh thủ sơ hở của địch. “Tôi bảo với anh em thủy thủ sẽ đón Tết ở Vũng Rô. Khi kiểm tra hàng hóa trên tàu, đã thấy anh em chuẩn bị cả bánh tét, cành đào Nhật Tân, nên tinh thần ai cũng phấn chấn,” Trung tá Thạnh kể lại.

Tối 31/1/1965 đúng đêm giao thừa, tàu vào vịnh Vũng Rô, pháo nổ trắng trời, cứ ngỡ bị lộ nhưng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua radio mới nhận ra là pháo hoa của địch. Tàu được ngụy trang, phải 2 đêm mùng 1 và mùng 2 Tết Ất Tỵ mới bốc dỡ hết vũ khí.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh bỗng suy tư: Sau khi giao vũ khí, đã diễn một sự kiện ghi dấu trong đời tôi. Một nữ chiến sỹ quân giải phóng bốc một nắm đất đưa cho tôi, bảo: “Em xin gửi anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất chịu nhiều gian khổ, giặc càn đi quét lại nhiều lần vẫn kiên trung, bất khuất. Nay có vũ khí tàu các anh đưa vào, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công để xứng đáng với tấm lòng của Bác Hồ, của đồng bào miền Bắc và sự hy sinh dũng cảm của các anh thủy thủ.” Nắm đất ấy được lưu giữ mãi đến ngày nay.

Tháng 2/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm phụ trách vận chuyển 60 tấn vũ khí vào Lộ Diêu (Bình Định). Đến nơi thì thủy triều xuống, tàu không vào được bến nên đã xin vào Vũng Rô. Ngày 15/2/1965, tàu 143 vào bến Vũng Rô, đến 3 giờ 30 phút hôm sau bốc dỡ hết vũ khí, nhưng tời neo hỏng, sửa xong thì trời đã sáng nên phải ngụy trang ở lại. Do tàu ngụy trang ngoài biển, không tạo thành khối liền với núi nên bị máy bay địch phát hiện.

Sau khi đối chiếu không ảnh và thấy một “đảo” lạ mới nổi trong vịnh Vũng Rô. Địch đã dùng máy bay phóng 2 quả rocket làm tàu 143 lộ nguyên hình. Chúng dùng 2 tàu hải quân và nhiều lực lượng bộ binh đánh chiếm tàu, quân đội Việt Nam đã rất khó khăn mới đánh đắm tàu xuống vịnh, không để tàu lọt vào tay giặc.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh kể: “Sau sự kiện này, mất nửa năm để tìm ra hướng vận chuyển mới. Từ Hải Nam, Trung Quốc đi theo hải phận quốc tế vào đến cùng vĩ tuyến với các bãi ngang thuộc khu 5, chạy thẳng vào cách bờ chừng 10m thì thả vũ khí xuống biển, quân đội Việt Nam sẽ tùy thời điểm mà vớt lên; hoặc đi vào vùng biển các nước khác xuống tận vịnh Thái Lan rồi ngược lên Cà Mau thả vũ khí.”

Sau 3 chuyến vào Vũng Rô, Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng 2 tàu khác. Một vào Phổ An, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ông phải cho nổ tàu sau khi thả hàng vì bị 2 tàu khu trục địch chặn đường rút ở cửa vịnh. Bị pháo kích của địch, Thuyền phó Dương Văn Lộc và Thủy thủ trưởng Trần Nhợ hy sinh. Đoàn thủy thủ phải mất 3 tháng đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc. Chuyến sau cùng ông đi qua vùng biển các nước lân cận rồi từ vịnh Thái Lan giả làm tàu cá Trung Quốc chạy vào Cà Mau. Tàu bị 2 tàu khu trục địch cùng máy bay áp tải về tận đảo Hải Nam , nhưng vẫn không phát hiện ra là tàu chở vũ khí.

Sau đó, Hồ Đắc Thạnh được chuyển về Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu; năm 1984 ông về hưu. Tàu 41 là chiếc tàu duy nhất 2 lần được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân (hiện ở Hải Phòng, mang số hiệu 671), sẽ được đưa về Bảo tàng Quân chủng Hải quân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc đã chi viện cho khu 5 tất cả 11 chuyến tàu chở vũ khí, nhưng chỉ có 3 chuyến do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng vào Vũng Rô thành công trọn vẹn. Còn lại, 6 tàu bị phát hiện phải chiến đấu và phá hủy; trước đó 2 tàu gỗ đều phải phá hủy, chỉ một chuyến lấy được vũ khí.

Trong hồ sơ Bộ Tư lệnh Hải quân đang trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân cho ông Hồ Đắc Thạnh có đoạn ghi: “Đồng chí Thạnh đã làm thuyền trưởng của nhiều tàu, đi được 12 chuyến, vào nhiều bến, vận chuyển gần 800 tấn hàng, đưa 18 lượt cán bộ tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Ngoài ra, còn 10 lần chỉ huy tàu vận tải gián tiếp chi viện chiến trường miền Nam qua cửa sông Gianh và cửa Hội. Thành tích đặc biệt tiêu biểu xuất sắc, con tàu mang bí số 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ngoài việc chở vũ khí cung cấp cho chiến trường khu 5 còn có xứ mệnh mở bến cho Đoàn Tàu không số vào bến Vũng Rô….”

Chuyện cuối cùng, tôi hỏi ông tại sao gọi là Tàu không số. Ông cười: “Cứ qua vùng biển mỗi quốc gia, tàu lại gắn một số khác, cờ khác; nhưng khi về lại nơi xuất phát thì tàu không gắn số nào. Đơn giản thế thôi”. Vâng, huyền thoại thường được bắt đầu từ những chuyện đơn giản tưởng như ai cũng biết!./.

Ly Kha (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục