2 triệu người chết mỗi năm vì "bệnh nghề nghiệp"

Theo TGĐ ILO Juan Somavia, an toàn, sức khỏe người lao động phải là nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh.
Nhân Ngày thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế ILO Juan Somavia đã nhấn mạnh bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động phải trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển nền kinh tế đương đại sang nền kinh tế xanh.

Ông Somavia cảnh báo trong khi phải bảo vệ được môi trường và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, việc làm bền vững cũng có thể tạo ra nhiều hiểm họa không thể lường trước được đối với cá nhân người lao động.

An toàn và sức khỏe nghề nghiệp phải gắn với mục tiêu việc làm có chất lượng, đồng thời việc làm có chất lượng phải là trung tâm cột trụ xã hội của phát triển bền vững.

Hiện trên thế giới hàng năm có tới 160 triệu người bị bệnh nghề nghiệp, hai triệu người lao động bị chết do tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp, 270 triệu người bị tai nạn liên quan đến nghề nghiệp.

Hơn 4% tổng GDP thế giới bị thiệt hại do các bệnh và tai nạn liên quan đến nghề nghiệp.

Có thể nói với người lao động, an toàn và được bảo vệ tránh bệnh nghề nghiệp cũng như tai nạn lao động vẫn chưa trở thành hiện thực.

Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) vào tháng 6 tới tại Brazil sẽ tạo cho các nước cơ hội tập trung thúc đẩy an toàn lao động như là thành phần không thể tách rời của đường lối phát triển.

Kinh nghiệm phát triển của nhiều nước cho thấy nhiều thực thể dù thân thiện với môi trường song có thể gây hại lớn đến sức khỏe của người lao động.

Vì vậy, các nguồn năng lượng tái sinh, quản lý và quay vòng nguồn nước, cũng như xanh hóa các ngành công nghiệp truyền thống phải được phát triển ngay từ khởi đầu trên cơ sở coi trọng sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của người lao động.

Tổng Giám đốc ILO khẳng định nền kinh tế xanh phải xác định các tiêu chuẩn cao hơn về bảo vệ môi trường đồng thời an toàn và sức khỏe của người lao động phải là nhân tố không thể tách rời của chiến lược tiến tới nền kinh tế xanh.

Chỉ như vậy, nhân loại mới có thể góp phần đảm bảo tương lai bao quát về xã hội, và bền vững về kinh tế và môi trường./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục