Tuồng cổ cho du khách nước ngoài: Sáng tạo hay mạo hiểm?

Với thời lượng khoảng 50 phút, vở diễn “Đêm Hoàng cung” là vở tuồng có yếu tố cách tân được dàn dựng dành riêng cho du khách quốc tế.
Trích đoạn "Ông già cõng vợ đi chơi hội" trong vở diễn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sau năm năm bền bỉ xây dựng và duy trì, sáng nay (26/2) tại Hà Nội, lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam mới mạnh dạn giới thiệu đến truyền thông và các đơn vị lữ hành vở tuồng “Đêm Hoàng cung,” với mong muốn bắt tay hợp tác để cùng mang đến cách nhìn mới cho khách quốc tế về một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn cổ truyền độc đáo nhất Việt Nam.

Tuồng cổ mang tính giải trí

Với thời lượng khoảng 50 phút, vở diễn “Đêm Hoàng cung” là vở tuồng có yếu tố cách tân được dàn dựng dành riêng cho du khách quốc tế. Sản phẩm du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam không đậm đặc chất liệu tuồng cổ mà được chắt lọc và thiên về tính giải trí, thư giãn nhằm hấp dẫn người xem.

Đa số ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành sau khi thưởng thức vở diễn đều cho rằng Nhà hát Tuồng cần phải tăng cường hơn nữa tính tương tác giữa các nghệ sỹ với du khách trong thời gian diễn ra chương trình.

“Nghệ thuật Tuồng mặc dù là nguồn tài nguyên quý của Việt Nam nhưng bấy lâu nay chúng ta ít quan tâm quá. Nay, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Nhà hát Tuồng để tổ chức giới thiệu với các doanh nghiệp, các hãng lữ hành, các cơ quan liên quan đến dịch vụ du lịch để tìm hiểu và thực hiện chương trình giới thiệu sản phẩm của Nhà hát nhằm phục vụ du khách, đưa vào thành một sản phẩm du lịch,” Tổng Cục phó Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nói.

Đánh giá về sản phẩm độc đáo này, ông Cường cho rằng đây là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo Nhà hát Tuồng đồng thời cũng cho thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc kết nối với các cơ quan truyền thông để phát huy những nét văn hóa đặc sắc, mà trong đó nghệ thuật tuồng lâu nay chúng ta chưa quan tâm.

“Đây là nguồn tài nguyên, một sản phẩm phong phú mà chắc chắn không chỉ khách nội địa mà cả du khách quốc tế cũng rất quan tâm. Chỉ có điều chúng ta chưa biết quảng bá, giới thiệu nó và đưa nó trở thành một sản phẩm hữu ích,” ông Cường nhấn mạnh.

Không thể phủ nhận tuồng là loại hình nghệ thuật kén khách, vậy chúng ta sẽ xúc tiến quảng bá hướng tới đối tượng khách như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, vị lãnh đạo ngành du lịch cho biết, đối với du khách sử dụng và thưởng thức sản phẩm du lịch này, công tác quảng bá sẽ dựa trên cơ sở nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp. Từ những nghiên cứu mang tính thống kê về nhu cầu của các đối tượng khách, các doanh nghiệp sẽ thiết kế và chào bán thành công.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á rất có kinh nghiệm đưa các sản phẩm nghệ thuật cổ truyền trở thành sản phẩm du lịch như Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia... Những sản phẩm đó rất đáng để ngành du lịch Việt Nam tham khảo.

Trích đoạn một vấn Hầu đồng trong vở diễn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Bài toán khó
Thuộc dòng sân khấu tự sự phương Đông, nghệ thuật tuồng từng thâm nhập vào cuộc sống cung đình xưa ở Việt Nam; sử dụng kết hợp những động tác, vũ đạo, những hình thức phức tạp được cách điệu, nghệ thuật hóa thông qua các đạo cụ như đao, thương, giáo, kiếm, phủ, rìu, roi ngựa... Nếu như nhà văn hóa Đào Duy Từ (1572-1634) đặt nền móng cho môn nghệ thuật này ở Việt Nam thì người góp phần to lớn mở mang loại hình này chính là danh sỹ, nhà soạn tuồng Đào Tấn (1845 - 1907) với gia tài hàng trăm bài ca thơ và từ. Không giống các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương..., tuồng mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa; những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của tuồng. Vì thế có thể nói tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển với biểu hiện ở chỗ tất cả các điệu hát, múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc nhưng cũng vừa mang yếu tố của sân khấu hiện đại ở chỗ diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí. Các yếu tố ca, vũ nhạc cùng được phát triển cách hài hòa. Và giờ đây, khi du khách quốc tế đã quá quen thuộc với múa rối thì tuồng chính là mảnh đất màu mỡ cần được khai phá, không chỉ giúp tạo điểm nhấn khác biệt cho các chương trình du lịch mà còn là “ẩm thực” riêng có của Việt Nam, có thể sánh ngang với Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản... Thế nhưng làm thế nào để Tuồng có thể kéo được khán giả Việt tới rạp và đặc biệt là hấp dẫn được khách quốc tế là cả bài toán khó với đội ngũ lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam và cả các nghệ sỹ tâm huyết với nghề. Với những thách thức trước mắt, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cam kết, sẽ đáp ứng mọi yêu cầu về dịch vụ cho du khách từ khâu đón tiếp với nụ cười thân thiện, nước trà nóng tới những không gian tái hiện lại lịch sử nghệ thuật tuồng; các dịch vụ giúp du khách tương tác với nghệ sỹ cũng như cung cấp phục trang ông vua bà chúa, vẽ các loại mặt nạ... nhằm giúp du khách trải nghiệm không khí của nghệ thuật tuồng./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục